Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nêu nghi vấn, mục đích chính của chủ đầu tư các dự án thuỷ điện nhỏ chính là khai thác rừng. Sau khi cơ bản chặt cây, lấy gỗ, dự án được bán lại…
Phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 3/11, nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề về hậu quả của việc các thuỷ điện nhỏ tràn lan nhiều nơi, hiệu quả phát điện chưa thấy đâu nhưng hệ luỵ về việc phá rừng, gây thảm hoạ khi có lũ lụt thì đã “nhãn tiền”.
Đại biểu Xuân cho biết bà nhận được nhiều ý kiến cho rằng, mục đích chính của thủy điện nhỏ chính là khai thác gỗ và tài nguyên rừng một cách hợp pháp. Vậy nên nhiều chủ đầu tư khi được cấp giấy phép làm thuỷ điện nhỏ là bán lại dự án ngay sau đó. Đó chính là lúc đã khai thác xong tài nguyên.
Đại biểu Phan Thái Bình (Quảng Nam) và đại biểu Hoàng Quốc Thắng (Quảng Trị) cho rằng nguyên nhân xảy ra liên tiếp những vụ sạt lở đất xảy ra sau mưa lũ tại Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam… thời gian gần đây là có liên hệ chặt chẽ với việc phá rừng để xây dựng các đập thủy điện nhỏ.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường không đi sâu vào vấn đề thuỷ điện nhỏ huỷ hoại rừng nhưng ông khẳng định, kết quả trồng rừng, giữ rừng đã đạt những thành tích lớn, thể hiện sự cố gắng vượt bậc trong thời gian 30 năm qua.
Từ Thức (t/h)