Mưa nhiều ngày cùng với việc các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ khiến nhiều các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chìm trong biển nước…
Mưa lớn kéo dài khiến đập chứa nước Kala, huyện Di Linh, Lâm Đồng phải xả lũ vào đêm 13/12, gây ngập nhiều nhà cửa, cà phê, hoa màu của người dân các xã Bảo Thuận, Gung Ré, Đinh Trang Hòa, Hòa Ninh. Hàng chục hộ dân sống quanh đập chứa không kịp trở tay khiến lượng lớn cà phê đang phơi bị nước cuốn trôi, nhiều nhất ở xã Bảo Thuận và Gung Ré.
Nhiều nhà máy điện ở Quảng Nam như Đắk Mi, A Vương, Sông Tranh 2… cũng xả lũ, khiến một số địa phương trên toàn tỉnh bị ngập, có nơi gần một mét…
Ở Bình Định người dân đối mặt liên tiếp với ba trận lũ từ tháng 11 tới nay. Các xã khu đông huyện Tuy Phước như: Phước Thuận, Phước Nghĩa, Phước Hòa,… là một trong những nơi phải hứng chịu 3 trận lũ liên tiếp khiến người dân kiệt quệ.
Tại huyện Tuy Phước có 425 ngôi nhà bị nhấn chìm, hơn 1.400 hecta lúa và 86 hecta hoa màu hư hại. Để tránh gây thiệt hại về người như các đợt lũ trước, ở những tuyến đường ngập nước, địa phương đặt biển cảnh báo nguy hiểm.
Đàn bò khi qua sông Ba lúc lũ dâng cao được lực lượng cứu hộ dùng xe cẩu đưa lên bờ an toàn.
Tranh thủ lúc trời tạnh mưa, người dân gia cố nhà cửa bị hư hỏng.
Hôm 13/12, nước lũ bất ngờ tràn vào trường mần non ở huyện Tuy An, khiến 4 cô giáo cùng 20 cháu bị kẹt, nhiều giờ sau mới được đưa ra khỏi nơi nguy hiểm.
Ở Khánh Hòa lũ cuồn cuộn đổ về làm nhiều tuyến đường trường học, bệnh viện cùng nhà dân ở TP Nha Trang ngập sâu, hư hỏng. Đường dẫn nước qua cầu Xóm Bống để cung cấp nguồn nước sạch cho phía Bắc thành phố bất ngờ bị gãy. Sự cố đã khiến hơn 20.000 hộ dân bị ảnh hưởng, thiếu nước sử dụng.
Theo thống kê, lũ khiến một người chết, hơn 1.400 hecta bị tàn phá, 11 nhà đổ sập. Ngoài ra, hàng chục tấn đá từ núi bất ngờ rơi xuống, đè lên 4 ngôi nhà và nhà kho Công ty Điện lực Khánh Hòa.
Theo VNE