Ngày 14/5, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật tái ủy quyền Đạo luật giám sát tình báo Hoa Kỳ (FISA). Dự luật cho phép các nhà điều tra chính phủ đệ đơn lên một tòa án bí mật để theo dõi người dân Mỹ. Tuy nhiên, tổng thanh tra Bộ Tư pháp đã phát hiện ra rằng dự luật đang mắc phải vô vàn vấn đề.
Tháng 3 vừa qua, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật trên.
Bộ trưởng Tư Pháp – William Barr ủng hộ dự luật, và những người ủng hộ dự luật cũng cho rằng đây là những cải cách ban hành cần thiết cho một hệ thống đang gặp phải trục trặc.
Thượng nghị sĩ Tom Udall đã phát biểu với các quan chức tại Thượng viện: “Chúng ta có một cơ hội cải tổ đạo luật này để bảo vệ cả quyền lập hiến và nền an ninh”.
Trái lại, những người chỉ trích dự luật cho rằng hệ thống FISA đã đổ vỡ đến mức các cơ quan tình báo không nên có quyền thi hành lệnh với người dân Mỹ.
“Sự thiếu sót của tòa án FISA và nguyên nhân tại sao nó vi hiến chính là những người tình nghi không được thuê luật sư. Họ thậm chí còn không được thông báo rằng mình đã bị cáo buộc tội danh”, Thượng nghị sĩ Rand Paul chia sẻ với các nhà lập pháp.
“Tôi nghĩ rằng toà án FISA sẽ không có bất kỳ thay đổi nào để khiến nó phù hợp với Hiến pháp của Mỹ”, ông nói thêm.
Khi các nhà lập pháp đàm phán về các điều khoản cho dự luật, quyền hạn giám sát của đạo luật đã được gia hạn vào ngày 16/3, kéo dài lên đến 77 ngày.
Dự luật cần 60 phiếu tán thành để được thông qua, kết quả đã nhận được 79 phiếu tán thành tính đến 2:30 pm chiều thứ Năm (14/5). Bên cạnh đó, có 16 phiếu phản đối dự luật. Sự ủng hộ lưỡng Đảng đồng nghĩa với khả năng sẽ chi phối được quyết định từ Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch Tình báo Thượng viện Richard Burr, người đã rời khỏi chức vụ của mình trong bối cảnh diễn ra cuộc điều tra vấn đề bán cổ phiếu không hợp pháp, cũng nằm trong số những người bỏ phiếu phản đối dự luật. Trong khi Phó Chủ tịch Tình báo Thượng viện Uỷ ban – Mark Warner đã bỏ phiếu tán thành dự luật.
Dự luật cấp quyền giám sát cho các nhà chức trách đến hết tháng 12/2023.
Đầu năm 2020, ông Barr cho biết dự luật bao gồm các điều khoản mà ông và Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) là Christopher Wray đề xuất, sau khi Tổng thanh tra Michael Horowitz xem xét các đơn từ mà những đặc vụ FBI đưa ra.
“Dự luật bao gồm một chuỗi các đề xuất mới và các điều khoản tuân thủ giải quyết các vấn đề lạm quyền và ngược đãi trong tương lai, đồng thời đảm bảo rằng công cụ quan trọng này luôn khả thi trong bối cảnh thích hợp, nhằm bảo vệ sự an toàn của người dân Mỹ”, ông Barr tuyên bố.
Tuy nhiên, sau đó tổng thanh tra Horowitz đã chỉ ra vấn đề cho Wray rằng, ông không tin FBI đang thực thi một chính sách quan trọng với mục đích đảm bảo các đặc vụ có đầy đủ bằng chứng thích hợp để đề xuất lệnh giám sát.
Tòa án FISA hiếm khi bác bỏ các đơn đề xuất giám sát. Cơ chế hoạt động của cơ quan này được che giấu một cách bí ẩn, và đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi được tận dụng để do thám các thành viên thuộc chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, bao gồm cả cựu cố vấn chính sách đối ngoại Carter Page.
Ông Horowitz nhận thấy các đặc vụ đã không khai báo các thông tin quan trọng cho tòa án, bao gồm việc ông Page là người của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ.
Các đặc vụ đã mắc phải 17 sai sót đáng kể trong bốn lá đơn đề xuất được cấp quyền giám sát ông Page.
Vị Tổng thanh tra kết luận rằng các sai sót và nhầm lẫn đã tạo nên “một màn thể hiện thất bại đến từ các đặc vụ giám sát và không giám sát”.
Đơn xin cấp quyền giám sát gửi tòa án FISA bao gồm các khiếu nại từ một hồ sơ chưa được xác minh về nghiên cứu đối lập chống lại tổng thống Donald Trump. Cựu sĩ quan tình báo Anh – Christopher Steele đã biên soạn hồ sơ thông qua việc sử dụng các nguồn tin có quan hệ mật thiết với chính quyền Kremlin. Ông được Ủy ban Quốc gia Dân chủ và Hillary Clinton thuê để thực hiện điều này. Hillary Clinton từng là đối thủ tranh cử Tổng thống Mỹ với ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.
Công Thành (Theo Epoch Times)