Cuộc thương chiến Mỹ-Trung vừa mới đạt được sự đồng thuận giai đoạn 1, chính quyền Trung Quốc lại tiếp tục thách thức sức mạnh kinh tế và tiềm năng quân sự của Hoa Kỳ ở khu vực Mỹ Latinh, theo Epoch Times.
Thời báo Epoch Times hôm 13/12 cho biết, mặc dù Trung Quốc đã cam kết cải tiến cấu trúc thương mại và mua 200 tỷ USD hàng hóa, dịch vụ của Mỹ để đổi lại việc giảm thuế quan, nhưng nước này vẫn liên tục gia tăng sức ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latinh, nhằm ngầm phá hoại an ninh quốc gia Mỹ từ khu sân sau này, theo phân tích của Geopolitical Futures.
Một trong những chính sách đối ngoại đầu tiên của ông Tập Cận Bình sau khi lên nắm quyền kiểm soát đất nước vào năm 2014 là đưa ra sáng kiến “1 + 3 + 6” nhắm vào cộng đồng người Mỹ Latinh và các quốc gia Caribbean.
Sáng kiến “1+3+6” là cách viết tắt của: 1 kế hoạch, 3 sự điều khiển về thương mại; đầu tư và hợp tác tài chính; nhắm mục tiêu vào 6 lĩnh vực: năng lượng và tài nguyên, nông nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, đổi mới khoa học và công nghệ.
Ngoài việc mua lại một lượng lớn tài nguyên thiên nhiên của các quốc gia Mỹ Latinh, Trung Quốc còn cho các nước này vay 141 tỷ USD không kèm yêu cầu ủy quyền quản trị như IMF. Tính từ 2005, vốn tài chính Trung Quốc đầu tư vào Mỹ Latinh đã vượt xa Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển Liên bang Mỹ và Tập đoàn Phát triển Andean cộng lại.
Hồi năm 2015, ông Tập tuyên bố phát triển tình hữu nghị với các quốc gia Tây Bán cầu bằng sự tương tác chặt chẽ. Theo đó, Bắc Kinh đã cung cấp cho các nước Mỹ Latinh 6.000 học bổng của chính phủ, 6.000 suất đào tạo tại Trung Quốc và 400 vị trí học tập nội bộ để lấy bằng thạc sĩ. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng mời 1.000 nhà lãnh đạo thuộc các đảng chính trị Mỹ Latinh đến thăm Trung Quốc và triển khai chương trình đào tạo Cầu nối tương lai cho 1.000 nhà lãnh đạo trẻ của Trung Quốc và Mỹ Latinh để phát triển giao lưu tư tưởng và văn hóa.
Geopolitical Futures nhấn mạnh, các khoản đầu tư, cho vay và hoạt động giao lưu văn hóa “thiện chí” của Trung Quốc đều yêu cầu các đối tác tuân thủ nguyên tắc “Một Trung Quốc”. Bắc Kinh dùng nguyên tắc này làm cơ sở chính trị để thiết lập và phát triển quan hệ tại các nước Mỹ Latinh Caribbean cùng các tổ chức trong khu vực.
Những cố gắng của Trung Quốc đã có hiệu quả, một số đồng minh của Mỹ ở khu vực Mỹ La Tinh đã quay sang ủng hộ Trung Quốc bằng cách phá vỡ quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cụ thể là: Panama năm 2017, Cộng hòa Dominican và El Salvador năm 2018.
Đáp trả động thái trên, Hoa Kỳ đã triệu hồi đại sứ tại 3 nước này vào tháng 9/2019. Đồng thời, Phó Tổng thống Mike Pence cũng lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của việc đến quá gần Trung Quốc.
Cùng tháng đó, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã nhắc lại mối quan tâm và hợp tác đặc biệt ở Mỹ Latinh của Trung Quốc. Nhưng ông đã không được khôn khéo khi tuyên bố “Mỹ Latinh và Trung Quốc nên hợp tác cùng nhau chống lại chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ.”
Bất chấp thị trường chứng khoán toàn cầu tăng điểm ngất ngưỡng sau khi bên Mỹ – Trung thống nhất thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper vẫn tuyên bố Trung Quốc hiện là ưu tiên hàng đầu của Lầu Năm Góc về vi phạm chủ quyền và luật pháp quốc tế, vượt cả Nga. Hoa Kỳ cũng khẳng định Trung Quốc đang cố gắng làm suy yếu các yêu sách lãnh thổ khu vực của các quốc gia láng giềng.
Bằng cách tuyên bố Trung Quốc là kẻ thù quân sự số một của Mỹ, Geopolitical Futures mong muốn Mỹ nên thách thức công khai hơn nữa ảnh hưởng và mối đe dọa tiềm tàng của Bắc Kinh tại khu sân sau của Mỹ.
Thiện Thành (t/h)