Tờ Phương Nam Cuối tuần có bài viết được đăng tải lại gần đây cho biết sau khi nhậm chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông Giang Trạch Dân đã nhiều lần thăng cấp tướng lĩnh; tính đến năm 2004, ông Giang đã thăng hàm Thượng tướng tới 79 người.
Qua đối chiếu cho thấy, số người được ông Giang Trạch Dân trao quân hàm Thượng tướng là 79 người, chiếm hơn một nửa của tổng số 164 Thượng tướng giai đoạn sau năm 1949; chiếm trên 70% số Thượng tướng kể từ năm 1988 khi ĐCSTQ khôi phục quy chế sắc phong quân hàm.
Khi chức vụ không tương xứng công trạng…
Theo sách “Con người Giang Trạch Dân” chỉ ra, ông Giang Trạch Dân biết rất rõ rằng bản thân không có uy danh gì trong quân đội. Đa số sĩ quan tướng lĩnh đứng tuổi đều từng tham gia chiến đấu trên chiến trường. Ngay cả ông Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình cũng đã trải qua làm chỉ huy quân đội nên mới được giới quân nhân tâm phục khẩu phục; chỉ duy nhất ông Giang Trạch Dân không có trải nghiệm chính trị như vậy, Giang chưa từng có kinh nghiệm quân sự gì, thậm chí đến khẩu súng cũng chưa chạm vào.
Khi không nắm giữ được quyền lực quân sự trong tay thì cũng không khác gì trao tương lai chính trị bản thân cho kẻ khác, điều này khiến cho tâm lý ông Giang Trạch Dân luôn bất an. Tuy nhiên, ông Giang Trạch Dân tự có thủ đoạn riêng.
Phải dùng hàm tước để thu phục
Trong quân đội, việc thăng hàm tước là mục tiêu quan trọng mà những người lính theo đuổi, vì đó là biểu hiện của công trạng đối với đất nước. Trong thời bình, một người lính muốn được thăng quân hàm cấp Tướng là không dễ dàng, trừ khi có thực tài gì đó quá nổi bật.
Tuy nhiên, kể từ thời ông Giang Trạch Dân lên nắm quyền, nịnh hót đã trở thành con đường thăng tiến nhanh chóng trong quân đội của ĐCSTQ. Câu chuyện được lưu hành rộng rãi là về việc thăng tiến của các tướng lĩnh Trương Vạn Niên, Quách Bá Hùng, Do Hỷ Quý. Điển hình nhất là Thiếu tướng Quách Bá Hùng là Tư lệnh Quân đoàn 47, trong thời ông Giang Trạch Dân nắm giữ cả ba hệ thống quyền lực là Quân đội – Chính phủ – Đảng, vì ông Quách Bá Hùng từng có lần đích thân đứng canh gác cho ông Giang Trạch Dân mà được đề bạt lên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương!
Từ 1993-2004, ông Giang Trạch Dân đã phong quân hàm cấp Thượng tướng cho 79 người, còn như cấp Thiếu tướng và Trung tướng thì không khác gì trò chơi, phải đến con số cả trăm.
Vào ngày 07/6/1993 ông Giang Trạch Dân đã trao quân hàm Thượng tướng cho 6 sĩ quan quân đội cấp cao. Vào ngày 08/6/1994, ông Giang Trạch Dân phong hàm Thượng tướng cho cả thảy 19 người.
Ngày 23/1/1996, ông Giang Trạch Dân nhất thời cao hứng nói với người hai bên: “Hôm nay tôi đến để phong Thượng tướng cho mấy vị, quá vui quá vui, vì sao? Vì có người chấp hành và nhờ cậy, tất nhiên là tốt hơn“. Vậy là ngay lập tức Giang phong Thượng tướng cho 4 người. Chính ủy Pháo binh II Tùy Vĩnh Cử (Sui Yongju) chính là người được phong từ Trung tướng lên Thượng tướng vào ngày này.
Vào ngày 24/10/1997, chỉ trong một ngày ông Giang Trạch Dân đã phong 152 Tướng. Thế hệ con cháu các cán bộ cấp cao và có quan hệ thế lực là đối tượng chính để Giang lôi kéo, tiêu biểu như trường hợp con của cố Phó Thủ tướng Hạ Long (He Long) là Hạ Bằng Phi (He Pengfei). Sau khi “bè lũ bốn tên” (Tứ nhân bang) sụp đổ (năm 1981) Hạ Bằng Phi mới gia nhập quân đội, tham gia quân đội chỉ hơn 10 năm đã lên Phó Tư lệnh Hải quân (hàm Trung tướng). Tính đến năm 1997, chỉ mình ông Giang Trạch Dân đã phong Tướng cho 530 người.
Ngày 27/3/1998, Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã tổ chức một buổi lễ phong hàm Thượng tướng cho 10 cán bộ cao cấp; ngày 29/9/1999 thăng hàm Thượng tướng cho 2 người, ngày 21/6/2000 tổ chức nghi thức thăng hàm Thượng tướng cho 16 sỹ quan cấp cao.
Ngày 02/6/2002 thăng hàm Thượng tướng cho 7 người, khi đó có cán bộ cựu chiến binh xem phát sóng trực tiếp trên truyền hình trông thấy ông Giang Trạch Dân khi trao lệnh truy phong chỉ đưa một tay, đã giận dữ nói: “Ông Giang Trạch Dân không biết cả những quy tắc cơ bản, không biết tôn nghiêm là gì”.
Ngày 20/6/2004, trước khi ông Giang Trạch Dân chuẩn bị nghỉ hưu đã tranh thủ trao 15 quân hàm Thượng tướng, trong lần sắc phong này có thân tín của Giang là ông Do Hỷ Quý.
Nhiều người được phong Tướng theo kiểu này còn biết liêm sỉ đã không xem là niềm vinh dự, vì họ hiểu rằng việc được phong hàm này không phải là phần thưởng cho công lao mà chỉ thuần túy nhằm mua chuộc. Vì vậy mà bản thân họ cũng không quan tâm đến chuyện nghi thức sắc phong bệ rạc, không giữ tôn nghiêm.
Do tình trạng phong hàm tước bệ rạc không còn chuẩn mực như vậy đã gây hỗn loạn nội bộ, vì các quan tướng không phục lẫn nhau, dèm pha nhau sau lưng, trong thực hiện nhiệm vụ thì làm khó lẫn nhau, không thể hợp tác với nhau được. Những loại người như vậy thì cho rà đời đám quân nhân ra sao? Quân đội như vậy thì cho dù vũ khí hiện đại thế nào cũng khó mà phát huy tác chiến để giành thắng lợi.
Phải dung túng cho quan tham vơ vét
Việc quân đội ĐCSTQ được làm kinh doanh bắt đầu vào giữa những năm 1980, mục đích ban đầu là để trợ cấp quân dụng, giới chức cấp cao quân đội ĐCSTQ hiển nhiên vui mừng vì chuyện này, ca ngợi là “quân đội tự cung tự cấp”. Một số cựu chiến binh như Dương Thượng Côn (Yang Shangkun) và Vương Chấn (Wang Zhen) còn thường xuyên viết chữ đề từ khích lệ động viên các doanh nghiệp quân đội. Sau khi ông Giang Trạch Dân lên Chủ tịch Quân ủy Trung ương, để kiểm soát quân quyền, Giang đã tận dụng những kẽ hở cùng quyền lực nắm giữ, hứa hẹn ngọt ngào, dung túng cho quân đội kinh doanh bừa bãi nhằm lôi kéo ủng hộ. Ông Giang Trạch Dân thả cửa cho quan tướng quân đội làm trung gian để kiếm lợi nhuận, vì vậy mà quân đội ĐCSTQ rơi vào tình trạng hủ bại chưa từng có; quân đội vùng duyên hải phía đông nam buôn lậu còn điên cuồng hơn cướp biển, quân đội phía bắc buôn lậu còn kinh khủng hơn bọn cướp đường.
Trong một lần “chống buôn lậu”, cựu lãnh đạo ĐCSTQ Chu Dung Cơ nói: “Nửa đầu năm 1998 người của quân đội đã nổ súng bắn chết 450 người bao gồm Hải quan bắt buôn lậu, cảnh sát vũ trang chống buôn lậu, nhân viên tư pháp; làm bị thương 2200 người. Họ còn sử dụng chính các trạm khí tượng quân đội để phục vụ, giả chữ ký của Thủ tướng, giả con dấu của Phó Chủ tịch Quân ủy để trục lợi khiến cả ông Giang Trạch Dân cũng thấy ngao ngán; bọn cướp biển, cướp đường, quan tham ở địa phương thì nhìn xa thèm thuồng”.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Quân ủy Trung ương Giang Trạch Dân, những sĩ quan và tướng lĩnh các cấp được thăng tiến và phát tài hiếm kẻ nào bàn tay bẩn không nhúng vào những phi vụ đen tối.
Theo Trithucvn