Bạn sẽ bất ngờ khi đến thư viện người ở Đan Mạch, vì thứ bạn mượn được tại đây không phải sách mà là một con người.
Những ai đến thư viện người này ở Đan Mạch có thể chọn bất kỳ tựa sách, kinh nghiệm sống nào trong mục lục, sau đó họ sẽ được đưa đến một khu thảo luận để “cuốn sách sống” đó kể lại trực tiếp câu chuyện mà họ muốn biết trong nửa tiếng.
Những cuốn sách sống đó có thể là bất kỳ ai, từ kỹ nữ, chính trị gia, trưởng ban tang lễ và cả trẻ em… Tất cả họ đó đều mang trong mình những câu chuyện đáng kinh ngạc.
Một số tựa sách có trong thư viện bao gồm Câu Chuyện Gypsy, Cựu Lính Trong Chiến Tranh Irag, Cậu Bé Mồ Côi hay Đứa Trẻ của Những Người Sống Sót Sau Vụ Thảm Sát Holocaust.
Thư viện sống này được thành lập bởi những người trẻ tuổi trong nhóm phi lợi nhuận Stop the Violence năm 2007, nhằm thúc đẩy những cuộc trò chuyện và tăng sự hiểu biết giữa những người rất có thể chẳng bao giờ nói lấy một câu nào với nhau trong đời thực.
“Khi chúng tôi, con người đến từ những nền văn hoá khác, tôn giáo khác, dân tộc khác, đều đến sinh sống tại Đan Mạch, một số người bản địa đã tỏ ra khá sợ hãi trước sự “xâm lấn” này. Vậy nên các bạn trẻ đã tụ họp và nhất trí rằng đây là ý tưởng tuyệt vời để những người rất có thể chẳng bao giờ nói với nhau câu nào, nói chuyện với nhau. Thư viện người là nền tàng cho đối thoại, thách thức định kiến và gắn kết xã hội“, Veena Torchia, gia sư cho người vô gia cư tại tổ chức phi lợi nhuận Crisis, kể lại. Crisis đang tổ chức rất nhiều các thư viện người tương tự ở Anh.
Trang Facebook của thư viện người tuyên bố, họ muốn thách thức cái nhìn định kiến về các thành viên trong xã hội và đây là nơi những câu hỏi khó được chấp nhận, chờ đợi và đánh giá cao.
Sự kiện đầu tiên được tổ chức tại Lễ hội Roskilde ở Copenhagen, một trong những lễ hội mùa hè lớn nhất Châu Âu. Kể từ đó, mô hình thư viện này được phát triển ở hơn 50 quốc gia. Chỉ cần có người muốn kể kinh nghiệm của họ và có người muốn nghe thì thư viện này có thể được lập nên ở bất kỳ đâu.
Wayne, một cuốn sách sống trong thư viện người ở Anh cho biết, “mọi người sẽ được nghe kể chuyện thay vì đọc sách. Cuộc đời đầy sắc màu của tôi có thể được chia thành rất nhiều chương truyện, cũng không khác gì một quyển sách cho lắm. Tôi từng trốn lên phà khi mới 14 tuổi và sống cùng các vũ công thoát y ở tuổi 15“.
Theo Dân Trí