Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, thời gian dự kiến hoàn thành dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào 31/12/2019 rất khó khả thi. Dự án sẽ chỉ đưa vào vận hành khai thác nếu đảm bảo tuyệt đối an toàn.
Văn phòng Chính phủ cho biết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản gửi đại biểu Bùi Huyền Mai (đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) trả lời về việc triển khai một số dự án đường sắt đô thị.
Chưa xác định thời gian hoàn thành, chỉ vận hành khi đảm bảo an toàn
Cụ thể, đại biểu Mai chất vấn về việc TP. Hà Nội sẽ xây dựng 9 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 410,8km (trong đó có 342,2km cầu cạn và đi trên mặt đất; 68,8km đi ngầm) theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch GTVT Thủ đô năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt.
“Tuy nhiên thực tiễn triển khai rất chậm, cử tri và nhân dân Thủ đô đã nhiều lần kiến nghị, đề nghị xem xét, xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
Vậy đề nghị Thủ tướng cho biết bao giờ tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh – Hà Đông) được đưa vào vận hành thựơng mại? Trách nhiệm để chậm này thuộc về tổ chức, cá nhân nào?…”, đại biểu Mai chất vấn.
Trả lời chất vấn của Đại biểu Bùi Huyền Mai, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: “Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 2A, Cát Linh – Hà Đông bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh nhiều lần, đến nay chưa xác định chính thức thời gian hoàn thành dự án.
Dự án đưa vào vận hành khai thác nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn; những sai phạm phải xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật. Chính phủ đã giao Bộ GTVT báo cáo chi tiết Quốc hội việc này” .
Theo Thủ tướng thì nguyên nhân của việc chậm trễ trên là do thời gian vừa qua, nguồn lực đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh dự án theo đúng trình tự, thủ tục cần thời gian…
Thời gian dự kiến chuyển giao dự án vào 31/12/2019 khó khả thi
Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ GTVT thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ ký, gửi báo cáo đến Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện dự án.
Theo đó, tổng thầu (Công ty hữu hạn tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc) chưa đề xuất mốc thời gian hoàn thành cụ thể nhưng dự kiến công tác nghiệm thu, chuyển giao dự án vào ngày 31/12/2019.
Tuy nhiên, do tiến độ tổng thầu đưa ra còn có nhiều nội dung chưa chi tiết nên theo đánh giá của Bộ GTVT mốc thời gian nêu trên là khó khả thi.
Hiện, Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT tiếp tục yêu cầu tổng thầu lập kế hoạch chi tiết đối với từng hạng mục còn lại để xác định thời gian hoàn thành dự án.
Liên quan đến trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, Bộ GTVT đã báo cáo dự án chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư ngoài trách nhiệm chính thuộc phía tổng thầu thì chủ đầu tư là Bộ GTVT.
Theo đó, ban quản lý dự án đường sắt chịu trách nhiệm trong công tác quản lý điều hành dự án; tư vấn thiết kế bước lập dự án chịu trách nhiệm về chất lượng lập dự án đầu tư.
Còn UBND TP. Hà Nội, chủ đầu tư của phần giải phóng mặt bằng, chịu trách nhiệm về việc chậm trễ trong công tác giải phóng mặt bằng; tư vấn giám sát chịu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo thi công, quản lý tiến độ, chất lượng, giá thành xây dựng…
Được biết, Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng tương đương 552 triệu USD.
Quá trình thực hiện dự án được điều chỉnh là 18.001,59 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD). Nguồn vốn sử dụng từ vốn vay ưu đãi của Chính phủ Trung Quốc với giá trị 669,62 triệu USD và vốn đối ứng Việt Nam là 198,4 triệu USD.
Với chiều dài hơn 13km và 12 nhà ga đi trên cao, dự án chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống vào tháng 9/2018 và dự kiến bắt đầu khai thác thương mại trong tháng 4/2019.
Tuy nhiên, kế hoạch khai thác tuyến đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam đã bị ‘phá sản’ do ‘vướng’ 1% khối lượng dự án án chưa hoàn thành, Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết về dự án. Cho đến thời điểm hiện tại, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, dự án đầu tư trọng điểm của ngành GTVT vẫn dở dang, ngổn ngang chưa thể đi vào hoạt động.
Vũ Tuấn (t/h)