Tại cuộc gặp Thủ tướng Lý Khắc Cường hôm 4/12 trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã đề cập đến vấn đề nhân quyền, đồng thời khẳng định ông sẽ nhắc lại vấn đề này với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Thủ tướng Trudeau thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 3 – 7/12. Trong khuôn khổ chuyến thăm này, ông Trudeau lần lượt có cuộc gặp với Thủ tướng Quốc vụ viện Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Theo Globe and Mail, trong cuộc hội đàm với ông Lý Khắc Cường ngày 4/12, ông Trudeau có nhắc đến vấn đề nhân quyền. Ít nhất 5 người Canada bị Trung Quốc giam giữ phi pháp đang gây nhiều tranh luận, giới quan sát cho biết.
Thủ tướng Canada nói: “Tôi đã nhắc đến những vấn đề này với ông Lý Khắc Cường: nhân quyền và vụ việc của Lãnh sự quán. Tôi chắc chắn cũng nhắc đến những vấn đề này với ông Tập Cận Bình”.
Ông Trudeau đề nghị ông Lý Khắc Cường cho phép Lãnh sự Canada gặp công dân bị Trung Quốc bắt giam, đồng thời nhấn mạnh đây là vấn đề đặc biệt quan trọng.
Tuy nhiên, bản tin không cho biết chi tiết liên quan đến vấn đề nhân quyền mà ông Trudeau thảo luận với lãnh đạo Trung Quốc.
Trước khi ông Trudeau thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland từng chia sẻ với truyền thông nước này rằng, ông Trudeau rất quan tâm tình cảnh người Canada bị giam tại Trung Quốc.
Bà Freeland nhắc đến đoàn đại biểu Canada thăm Trung Quốc đã đề cập 4 trường hợp: người Duy Ngô Nhĩ Huseyin Celil (Ngọc Sơn Giang), người tập Pháp Luân Công Qian Sun (Tôn Thiện), thương nhân Trung Quốc John Chang (Trương Trung Nam) ở British Columbia (Canada) và vợ của ông là Allison Lu.
Công dân Canada Qian Sun là một trong những người sáng lập công ty Sinh hóa Leadman ở Bắc Kinh (Beijing Leadman Biochemis). Năm 2014 chị bắt đầu tập Pháp Luân Công, vì kiên định tin vào Chân Thiện Nhẫn mà bị chính quyền Bắc Kinh bắt giam ngày 19/2/2017, và phải chịu nhiều cực hình. Trong khi John Chang bị bắt giam từ tháng 5/2016 vì loại rượu vang Ice Wine mà ông xuất khẩu sang Trung Quốc bị hải quan nước này cho là có giá quá thấp. Còn Huseyin Celil bị giam từ năm 2006.
Bà Chrystia Freeland cho biết, tình cảnh 4 người Canada này ở trong nhà tù Trung Quốc “đáng sợ”. Bà không hiểu tại sao chính quyền Trung Quốc không thể thả những người này theo đề nghị của phía Chính phủ Canada.
Trung Quốc hủy bỏ buổi họp báo vào phút cuối
Đáng chú ý nhất trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trudeau lần này là đàm phán thương mại tự do giữa hai nước. Tờ Minh Báo (Hong Kong) đưa tin, sau khi ông Trudeau hội đàm với ông Lý Khắc Cường, đa số giới quan sát cho rằng sắp có tuyên bố chung liên quan đến đàm phán tự do thương mại.
Tuy nhiên, theo thông tin của Văn phòng Thủ tướng Canada, phía Trung Quốc bất ngờ hủy bỏ buổi họp báo đã được bố trí trước đó. Hai người cùng đọc bản tuyên bố được chuẩn bị trước với ngôn từ qua loa.
Về vấn đề Hiệp định Thương mại tự do song phương, ông Lý Khắc Cường cho biết, “chúng ta sẽ tiếp tục đối thoại, Trung Quốc luôn giữ thái độ cởi mở về vấn đề này”.
Trong khi đó, theo ông Trudeau, Canada chỉ muốn ký thỏa thuận tiến bộ, sẽ triển khai theo lịch trình của mình. Hiệp định thương mại tiến bộ phải bảo vệ lao động và quyền lợi của lao động có giới tính khác nhau, cũng như cam kết ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu.
Globe and Mail chỉ ra, trở ngại trong đàm phán tự do thương mại là phía Canada yêu cầu Trung Quốc phải xây dựng tiêu chuẩn về công nhân lao động và tiêu chuẩn môi trường, nhưng phía Trung Quốc lại muốn bỏ qua vấn đề này.
Ngoài ra, trong chuyến thăm này cũng có những vấn đề khác. Minh Báo đưa tin, an ninh Trung Quốc cản trở phóng viên phía Canada ghi hình. Khi Tổng thống Trudeau cùng ông Lý Khắc Cường đi trên thảm đỏ, an ninh Trung Quốc luôn giơ cao tay và di chuyển cơ thể ngăn chặn phóng viên tác nghiệp.
Tối thứ Ba (5/12), ông Trudeau đã cùng ăn tối với ông Tập Cận Bình, sau đó bay đến Quảng Châu để nói về doanh nghiệp Canada tại Diễn đàn CEO toàn cầu.
Theo Tri Thức VN