Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định 135/2020 quy định về tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Theo đó đến năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam, và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ và sẽ tiếp tục tăng theo lộ trình.
Sau năm 2021, mỗi năm sẽ tăng thêm 3 tháng đối với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Nghị định cũng quy định các trường hợp được nghỉ hưu sớm, nhưng không quá 5 năm so với tuổi quy định (nam 62, nữ 60). Các trường hợp này bao gồm: người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH ban hành.
Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) với 90,06% số đại biểu tán thành, bao gồm nội dung nâng cao độ tuổi nghỉ hưu.
Trước đó, dư luận đã chia sẻ rộng rãi thông tin vỡ quỹ BHXH, nhiều người lao động lo ngại mất quyền lợi trong tương lai. Mặc dù Bộ LĐTB&XH đã phủ nhận hoàn toàn thông tin này, khẳng định không đưa nguy cơ tránh vỡ quỹ BHXH là một lý do đề xuất tăng tuổi hưu nhưng vẫn khó trấn an được người lao động.
Thực tế, trong nhiều năm qua, chi phí quản lý bộ máy BHXH Việt Nam liên tục tăng. Tình trạng nợ đọng, chậm đóng quỹ còn xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố và chủ yếu ở khối doanh nghiệp. Nghiêm trọng nhất là việc đầu tư của quỹ không đảm bảo được tính an toàn, ví như khoản nợ 1.600 tỷ của ACL2 tại quỹ BHXH vẫn chưa thể thu hồi dù công ty này đã tuyên bố phá sản.
Từ Thức (t/h)