Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ – Stephen Biegun đã kêu gọi: Chính quyền Belarus phải cho người dân có quyền được “bầu ra ban lãnh đạo của họ, thông qua một cuộc bầu cử tự do và công bằng đúng nghĩa, dưới sự giám sát độc lập”.
Ngày 28/8, trong cuộc họp Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu với sự tham gia của 57 đại biểu quốc gia, ông Biegun đã đại diện cho Hoa Kỳ phát biểu: “Một điều mà thế giới thấy rất rõ, cuộc bầu cử ngày 9/8 tại Belarus là một sự xảo trá”.
“Trong giai đoạn trước bầu cử, chính quyền Belarus đã dàn dựng một chiến dịch nhằm đe dọa và quấy rối các ứng cử viên phe đối lập, các nhà hoạt động xã hội dân sự và các nhà báo độc lập, đồng thời bắt giữ hàng trăm người biểu tình ôn hòa. Công tác đăng ký ứng viên đã xảy ra sai sót nghiêm trọng, do việc ban hành các quy định hạn chế, nhằm ngăn cản những ứng viên tiềm năng hoàn tất thủ tục đăng ký. Các ứng cử viên hàng đầu của phe đối lập đã bị bắt giữ trước ngày bầu cử, và vẫn bị giam giữ đến thời điểm hiện tại”, Stephen phát biểu.
Vị Thứ trưởng cho biết thêm, về việc xuất hiện “những bất thường nghiêm trọng, trong khâu kiểm phiếu và báo cáo kết quả bầu cử”. Các quan sát viên độc lập địa phương không được phép đến những điểm bỏ phiếu. Do đó, người dân Belarus “sẽ không bao giờ biết được kết quả thực sự của cuộc bầu cử”.
Sviatlana Tsikhanouskaya – ứng cử viên đối lập của vị Tổng thống Belarus đã tuyên bố kết quả cuộc bầu cử là gian lận. Bà khẳng định mình mới là người đắc cử, với tỷ lệ ủng hộ lên đến 60 -70% tổng phiếu bầu.
Bà Tsikhanouskaya hiện đã bay sang Lithuania, và thành lập một hội đồng để điều phối quá trình chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa.
Tsikhanouskaya chưa bao giờ có ý định trở thành đối thủ trong cuộc đua tranh cử với ông Lukashenko – cựu trùm nông nghiệp xã Liên Xô. Nhưng khi chồng của mình, ông Siarhei Tsikhanouski, bị bỏ tù vào tháng 5 vừa qua và các ứng cử viên khác cũng bị cấm tham gia tranh cử, bà đã thay thế chồng làm đại diện ứng cử viên phe đối lập trên lá phiếu.
Siarhei Tsikhanouski là một blogger, nhà hoạt động và là ứng cử viên chạy đua tranh cử Tổng thống Belarus năm 2020. Trong nhiều năm qua, ông đã có những chỉ trích tới vị Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko.
Biểu tình phản đối kết quả bầu cử
Sau khi kết quả bầu cử được công bố, hàng nghìn người dân Belarus cùng phe đối lập đã xuống đường tham gia biểu tình quần chúng tại thủ đô Minsk của Belarus. Các cuộc biểu tình vẫn diễn ra cho đến hiện nay.
Chính phủ đã ngay lập tức đàn áp thẳng tay. Cảnh sát sử dụng hơi cay, lựu đạn gây choáng và đánh đập đám đông biểu tình, tại thủ đô Minsk và nhiều khu vực khác. Họ bắt giam hàng nghìn người biểu tình, đã có hàng trăm người bị thương và ít nhất 3 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, các biện pháp mạnh tay được tiến hành sau cuộc bầu cử ngày 9/8 dường như đã gây ra tác dụng ngược, điều đó khiến càng nhiều người dân tham gia biểu tình hơn, và xuất hiện tình trạng công nhân, cán bộ đình công tại các nhà máy do nhà nước quản lý, buộc chính quyền phải xuống thái độ mềm mỏng.
Sau 3 tuần biểu tình, ông Lukashenko thay đổi chiến thuật, dần làm các cuộc biểu tình dịu đi bằng những lời hứa mơ hồ về cải cách, xen lẫn với những lời đe dọa, lệnh triệu tập tòa án và bỏ tù các nhà hoạt động hàng đầu tham gia vào cuộc biểu tình.
Ông Stephen đã kêu gọi, cần “chấm dứt ngay lập tức hành vi bạo lực đối với người dân Belarus, và trả tự do cho tất cả những ai bị giam giữ bất công”. Vị Thứ trưởng cho rằng, đây là một điều kiện tiên quyết để có một cuộc bầu cử tự do và công bằng.
“Chính quyền Hoa Kỳ lên án mạnh mẽ hành vi tàn bạo sau bầu cử, do chính quyền Belarus thực hiện đối với những người biểu tình ôn hòa và cánh nhà báo, bao gồm việc giam giữ hàng loạt gần 7.000 người dân Belarus, cũng như động thái chặn dịch vụ internet vẫn đang diễn ra, và sử dụng lực lượng an ninh để đe dọa những người biểu tình ôn hòa”, ông phát biểu.
Ông Biegun cũng kêu gọi chính quyền Belarus cần thả tự do một công dân Mỹ tên Vitali Shkliarov. Sự việc xảy ra khi người này đến Belarus cùng con trai vào tháng 7/2020 để thăm mẹ của mình. “Anh ấy bị bắt giữ ngay trên phố, ném vào sau xe tải và bị chuyển đến một trại giam cách đó 300km”. Vị Thứ trưởng cho biết, công dân này không thừa nhận những tội danh mà anh không phạm phải trong lúc bị giam giữ.
Phản ứng từ quốc tế
Stephen đã có một cuộc gặp với bà Tsikhanouskaya tại thủ đô Vilnius, Lithuania, trong chuyến đi tới châu Âu vào tuần trước. Ông khẳng định mình “được truyền cảm hứng từ lòng dũng cảm của bà ấy, cùng quyết tâm vận động đấu tranh cho người dân Belarus”, rằng họ nên có quyền được lựa chọn “ban lãnh đạo nhà nước và tương lai của chính họ”.
Trong cuộc trò chuyện kéo dài 2 giờ đồng hồ, bà Tsikhanouskaya đề nghị chính phủ Hoa Kỳ “tôn trọng chủ quyền của Belarus”. Ông Stephen cam kết với bà sẽ thực hiện điều này, và hy vọng chính phủ các nước khác tham gia cuộc họp cũng sẽ làm điều tương tự.
“Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ quyền lợi của người dân Belarus, yêu cầu chính phủ của họ cần tuân thủ các nguyên tắc mà Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu đề cao, là bầu cử tự do công bằng và bảo vệ nhân quyền”, ông Stephen nói.
Stephen cho rằng: “Chính quyền Mỹ không có ý định kiểm soát hay định đoạt vận mệnh của người dân Belarus”. Tuy nhiên, ông cũng cho biết nếu Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu không đứng lên bảo vệ người dân Belarus, thì họ đang làm mất đi những tín nhiệm về sứ mệnh và giá trị của mình.
Ngày 29/8, các phái bộ của Hoa Kỳ, Anh, Thụy Sĩ và Liên minh Châu Âu (EU) thay mặt cho các quốc gia thành viên trong khối EU tại thủ đô Minsk, đã đưa ra một tuyên bố chung lên án việc chính quyền Belarus sử dụng vũ lực quá mức, nhằm dập tắt các cuộc biểu tình ôn hòa, đồng thời kêu gọi chính quyền cần “dừng các hành vi bạo lực, cũng như các mối đe dọa sử dụng vũ lực quân sự với người dân, và ngay lập tức bằng mọi giá phải thả tự do toàn bộ những người bị bắt giữ bất hợp pháp”.
Tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ của các quốc gia với người dân Belarus, yêu cầu sự tôn trọng tự do và nhân quyền “bằng các cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
Việt Anh (Theo ET)