Tinh Hoa

Thu phí đọc báo điện tử – con đường sinh tồn của báo chí Việt Nam

hdr

Trong bối cảnh doanh thu bị sụt giảm, báo chí Việt Nam tiếp tục bị giáng thêm một đòn mạnh bởi ảnh hưởng từ đại dịch. Áp lực lớn đang dồn ép các tòa soạn phải cải cách, nếu không sẽ không thể tồn tại.

Diễn đàn Tổng Biên Tập “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu”. (Ảnh: Hội Nhà báo VN)

Hôm qua 11/6, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức diễn đàn Tổng Biên Tập “Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu” với ba phiên thảo luận gồm: Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu, Báo chí phát triển nguồn thu: Bệ đỡ nào từ chính sách, nhà nước? Những kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu, đảm bảo kinh tế báo chí được thảo luận trực tiếp tại diễn đàn. 

Diễn đàn đã thu hút được sự góp mặt của đại diện Hội Nhà báo, đại diện các cơ quan quản lý báo chí và gần 30 đại biểu là tổng biên tập các cơ quan báo chí trong cả nước.

Tổng biên tập Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy phát biểu khai mạc cho biết phát triển kinh tế báo chí, đảm bảo nguồn thu từ lâu là bài toán nan giải của các tòa soạn, nhất là với những cơ quan báo chí tự chủ về tài chính. Bối cảnh kinh tế u ám càng khiến bài toán phát triển nguồn thu trở nên nóng bỏng và cấp bách hơn bao giờ hết.

Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận Lê Trần Nguyên Huy phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: qua thanhtra.com.vn)

Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) phát biểu như sau:

“Vòng xoáy cơm áo gạo tiền sẽ làm báo chí xa rời chân giá trị của nghề báo. Do đó, báo chí phải tìm lại, bồi đắp những giá trị cốt lõi của mình, đó là tính cách mạng, đồng thời báo chí nhận một sứ mệnh mới là chống các tin giả, tin xấu, tạo dòng chảy chính của thông tin, hướng đến những giá trị tốt đẹp, xây dựng niềm tin xã hội. Khi báo chí mang lại những giá trị cho cộng đồng thì đó là cách báo chí giành lại người đọc, người xem”.

Điều ông Phúc khẳng định đã thật sự đánh vào chỗ chua xót của những người làm báo lề Đảng. Thực trạng hiện nay, hầu hết các tờ báo này đều bị giảm doanh thu từ 30-70%. Theo ông, thực tế nhiều cơ quan báo chí phải “đi hai chân”, vừa phải đảm bảo nhiệm vụ chính trị, vừa phải kinh doanh, đầu tư ngoài ngành… Đây chính là vấn đề mâu thuẫn nhất của báo chí Việt Nam.

Thực trạng khó khăn của kinh tế báo chí có thể tóm lược như sau: Doanh thu báo in sụt giảm nguy hiểm, không đủ bù đắp chi phí in ấn; doanh thu quảng cáo sụt giảm nghiêm trọng do các doanh nghiệp khó khăn buộc phải cắt giảm chi phí; lượng người đọc báo điện tử tăng lên nhưng doanh thu báo điện tử không tăng, thậm chí vẫn giảm; chi phí tòa soạn, nhuận bút tăng lên, tỷ lệ nghịch với nguồn thu.

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam. (Ảnh: danviet.vn)

Diễn đàn đã nêu lên các biện pháp, có thể tóm lược thành 3 vấn đề sau:

Theo nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus, đơn vị báo chí đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam hiện thu phí đọc nội dung trên nền tảng kỹ thuật số, ông Duẩn chia sẻ: “Việc thu tiền từ bạn đọc trực tuyến tại Việt Nam hiện nay rất khó, muốn thay đổi cơ cấu doanh thu thì các cơ quan báo chí phải bắt tay vào làm. Quan trọng nhất là bảo vệ được bản quyền, không để xảy ra tình trạng một bài báo hay bị hàng chục trang khác cắt về, dán lên trang của mình một cách thoải mái. Việc khóa bài, mời mua báo trực tuyến cần phải được tiến hành đồng thời ở nhiều báo mới tạo được hiệu ứng tích cực”.

Ông Hồ Quang Lợi, Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí, đặc biệt là phải gây dựng bản sắc riêng, đồng thời ứng dụng công nghệ hỗ trợ nhiều hơn nữa.

Từ Thức (t/h)