Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học Y Stanford đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử trong việc điều trị ung thư trong thí nghiệm của mình. Với cơ chế kích thích miễn dịch tương tự tiêm vắc-xin, họ đã loại bỏ được cả khối u chính lẫn các điểm di căn xa xôi trong cơ thể những con chuột thí nghiệm mang bệnh ung thư.
Thí nghiệm đã được thử nghiệm trên chuột và cho kết quả thành công mỹ mãn, phương pháp này có thể tiêu diệt những tế bào ung thư lan xa nhất trên cơ thể chuột. 87 trong tổng số 90 con chuột đã được chữa khỏi. Mặc dù ung thư tái xuất hiện ở 3 con, nhưng các khối u đã bị đẩy lùi ở đợt trị liệu thứ hai, theo nghiên cứu có bình duyệt cho biết.
Giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Ronald Levy, thành viên chủ chốt của nhóm nghiên cứu cho biết, liệu pháp mới không chỉ đã loại bỏ hoàn toàn các dấu vết ung thư ở những điểm di căn xa xôi, mà còn là phương pháp tương đối rẻ tiền, không gây tác dụng phụ thường thấy trong các liệu pháp kích thích miễn dịch khác.
Theo giáo sư Levy, thông thường các tế bào miễn dịch như tế bào T tự nhận thấy các protein bất thường xuất hiện trong bệnh ung thư. Tuy nhiên khi khối u phát triển, nó thường tìm ra cách để ngăn chặn hoạt động của tế bào T. Vì vậy nhiệm vụ của các nhà khoa học là kích thích các tế bào T trỗi dậy và hoạt động mạnh mẽ.
Nhóm nghiên cứu đã sử dụng hai chất kích thích miễn dịch để kích hoạt tế bào miễn dịch T trong các khối u khiến hệ miễn dịch của cơ thể tự động tiêu diệt khối u. Do đây là cuộc chiến của hệ miễn dịch cho nên không chỉ các khối u trung tâm mà những điểm di căn xa xôi cũng bị tiêu diệt.
Chất kích thích thứ nhất là một đoạn ngắn của ADN có tên CpG oligonucleotide, nó kết hợp với các tế bào miễn dịch gần đó để tăng cường biểu hiện của một “phân tử kích thích miễn dịch” là OX40 trên bề mặt các tế bào T.
Chất kích thích thứ hai là một kháng thể kết nối với OX40, kích hoạt các tế bào T để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Với liều lượng vài micro-gram một lần tiêm, các tế bào T nhận ra các loại protein bất thường và tiêu diệt chúng. Các tế bào T sau đó sẽ rời khối u ban đầu và đi tìm các tế bào ung thư khác trong cơ thể.
“Cách của chúng tôi là tiêm một lần một lượng chất rất nhỏ hỗn hợp của cả hai chất hóa học để kích hoạt các tế bào miễn dịch trong bản thân khối u. Ở chuột, chúng tôi thấy một hiệu ứng rất kỳ diệu trên khắp cơ thể con vật, kể cả việc loại bỏ các khối u.”
“Khi chúng tôi dùng 2 chất này cùng lúc, chúng tôi thấy các khối u bị tiêu diệt trên toàn cơ thể,” giáo sư ngành ung thư Ronald Levy nói.
“Cách này không cần phải xác định các mục tiêu miễn dịch nhắm vào khối u cụ thể và không yêu cầu phải kích hoạt toàn bộ hệ thống miễn dịch hay điều chỉnh các tế bào miễn dịch của bệnh nhân.
Tất cả những tiến bộ về trị liệu miễn dịch này đang thay đổi cách người ta hành nghề y,” ông Levy nói.
Hiện nay, một trong hai loại chất kích thích miễn dịch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cho phép sử dụng trên con người. Các nhà khoa học chỉ chờ đợi chất thứ hai được duyệt và đủ số người tình nguyện cho bước tiếp theo. Nếu thí nghiệm tiếp tục thành công ở các bệnh nhân ung thư hạch lymphoma vô phương cứu chữa, đó sẽ là đột phá lớn trong ngành ung thư.
Do vậy, các chuyên gia trong nhóm đang tuyển khoảng 15 bệnh nhân bị lymphoma (ung thư máu phát triển từ bạch huyết bào) ở cấp độ nhẹ để tiêm thử lâm sàng.
Nếu thử nghiệm trên người thành công, Ông Levy tin rằng việc điều trị sẽ có tác dụng với nhiều loại ung thư. “Tôi nghĩ số loại khối u mà chúng ta có thể điều trị sẽ không có giới hạn, miễn là hệ miễn dịch có thể phát hiện được”, ông nói.
Ngân Ca (t/h)