Hôm 10/10, Thủ hiến Catalonia Carles Puigdemont và các lãnh đạo khu vực ký bản tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha sau kết quả trưng cầu dân ý, nhưng ông đề nghị hội đồng lập pháp hoãn ra quyết định để đàm phán.
“Catalonia hôm nay (10/10) khôi phục chủ quyền đầy đủ“, theo văn bản do lãnh đạo Catalonia Carles Puigdemont ký tối 10/10 cùng các chính trị gia khu vực. Hiện chưa rõ tài liệu này có bất kỳ giá trị pháp lý nào hay không.
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia và tổ chức quốc tế công nhận cộng hoà Catalan là một nước độc lập, có chủ quyền. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Catalan có tất cả các biện pháp cần thiết để tuyên bố này có hiệu lực đầy đủ, các biện pháp trong luật quá độ thành lập nước cộng hoà“, Telegraph dẫn văn bản viết.
Trước đó, cùng ngày 10/10, Thủ hiến Puigdemont phát biểu trước cơ quan lập pháp Catalonia rằng: “Catalonia đã giành chiến thắng trong quyền được trở thành quốc gia độc lập. Hàng triệu người dân Catalonia tin rằng họ xứng đáng có một nhà nước của riêng mình. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý ngày 1/10 đã đưa ra câu trả lời ‘Có’”
“Tôi gánh vác sự uỷ thác của người dân Catalonia để trở thành một nước cộng hoà độc lập“, ông Puigdemont nói trước các nhà lập pháp, nhưng đề nghị quốc hội “hoãn tuyên bố độc lập để bắt đầu đối thoại trong những tuần tới“, theo AFP.
“Tôi không định gây ra đe dọa nào. Chúng ta đều phải có trách nhiệm trong vấn đề này. Chúng ta cần hạ nhiệt căng thẳng chứ không thể làm tình hình phức tạp hơn. Chúng ta đều cùng một cộng đồng và cần tiến về phía trước cùng nhau. Chúng ta sẽ không bao giờ đồng thuận về tất cả. Nhưng lịch sử đã chứng minh con đường duy nhất để tiến lên chính là dân chủ và hòa bình. Điều này cần sự đối thoại“, vị thủ hiến phát biểu.
Lãnh đạo Catalonia phát biểu muộn hơn một giờ so với dự kiến. Một số báo đưa tin việc trì hoãn tuyên bố là do quốc tế đề nghị làm trung gian hoà giải giữa Catalonia và Tây Ban Nha. Cảnh sát Catalonia được trang bị súng trường tự động đã dàn quân canh gác xung quanh trụ sở lập pháp vào ngày được tuyên bố là “lịch sử” đối với vùng tự trị này, theo Reuters.
Những người ủng hộ ly khai tụ tập xung quanh tòa nhà, cầm biểu ngữ với nội dung “Chào mừng nước cộng hòa”, nhưng phe ủng hộ độc lập được cho là không hài lòng với cách sử dụng từ ngữ trong phát biểu của vị thủ hiến.
Merce Hernandez, một kiến trúc sư 35 tuổi, nói: “Tôi rất xúc động. Đây là một ngày lịch sử. Tôi cảm thấy hài lòng“. Trong khi Merce Hernandez, một kiến trúc sư 35 tuổi, nói: “Tôi rất xúc động. Đây là một ngày lịch sử. Tôi cảm thấy hài lòng“.
Chính phủ Tây Ban Nha sau đó bác bỏ tuyên bố của lãnh đạo Catalonia. “Không thể chấp nhận việc ngầm đưa ra một tuyên bố độc lập rồi hoãn nó một cách thẳng thừng như thế“, một phát ngôn viên chính quyền trung ương nói.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy từng bác bỏ bất cứ cuộc đối thoại nào với những người Catalonia ly khai nếu họ vẫn không từ bỏ kế hoạch đó. Ông Puigdemont và các đồng minh của ông đang có nguy cơ bị bắt vì xúi giục nổi loạn. Quốc hội Catalonia có nguy cơ bị giải thể và ông Rajoy có thể khởi đầu các cuộc bầu cử khu vực, một phương án được coi là “lựa chọn hạt nhân”.
Chính phủ Tây Ban Nha cũng có thể đề nghị các toà án phán quyết tuyên bố độc lập là vi hiến. Cuộc trưng cầu dân ý ở vùng tự trị Catalonia hôm 1/10 bị toà án hiến pháp Tây Ban Nha phán quyết là bất hợp pháp.
Catalonia tuyên bố kết quả bỏ phiếu cho thấy 90% trong số 2,26 triệu người bỏ phiếu ủng hộ việc tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, người đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý chỉ chiếm 42% tổng số cử tri đủ điều kiện.
Hồi cuối tuần qua, 350.000 người đại diện cho “đám đông im lặng” ở Catalonia đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch đòi độc lập.
Chính quyền Madrid đã tuyên bố sẽ đáp trả ngay lập tức trước mọi hành động ly khai đơn phương. Thủ tướng Rajoy được cho là sẽ áp dụng biện pháp “chưa từng có tiền lệ” như giải tán hội đồng lập pháp Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm ở vùng này.
Đây là cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất ở Tây Ban Nha trong nhiều thập kỷ qua.
TinhHoa tổng hợp