Tinh Hoa

Thư giãn cuối tuần để thưởng trà và ngắm bánh wagashi

Wagashi mà món bánh ngọt truyền thống của Nhật được dùng chung với trà. Nếu ăn bánh wagashi mà không thưởng thức cùng trà, thì bạn chưa biết thưởng thức loại bánh được người dân nước này nâng lên thành một môn nghệ thuật.

Bánh Wagashi cực kì kén chọn người ăn, và thực sự là người ăn cần phải có kiến thức nhất định về bánh ngọt truyền thống và cả về văn hóa Nhật Bản.
Ăn wagashi, không đơn giản chỉ là ăn một cái bánh.
Cái ngon không chỉ là cảm nhận vị giác, là cái mềm mịn tan ngay trong miệng, mà nó còn đến từ vẻ đẹp của tạo hình, sự sống động của từng chi tiết, từ hương thơm thoang thoảng đến những cái tên nghe thật hay.
Nhật Bản vốn là một đất nước nhỏ bé, đất đai cằn cỗi và ít ỏi, lại trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn phá, nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình hình thành và phát triển của wagashi.
Lúc sơ khai thì wagashi chỉ là mấy loại hoa quả khô mà thôi. Từ thủa hồng hoang tới nay, có 3 cơn sóng lớn làm thay đổi bộ mặt của bánh ngọt Nhật Bản truyền thống.
Đầu tiên phải kể tới văn hóa bánh kẹo Đường Tống, đưa tới Nhật Bản các loại bánh làm từ bột mỳ, bột gạo, với các phương pháp hấp, chiên. Hai loại bánh điển hình nhất có thể kể tới là mochi (bánh dày làm từ gạo nếp đồ chín giã nhuyễn) và dango (bánh trôi kiểu Nhật).
Cơn sóng tiếp theo là văn hóa thiền, khi các nhà sư qua Trung Quốc học tập thiền đạo và trở về Nhật Bản đã phát triển tinh hoa trà đạo lên một tầm cao mới.
Một số món ăn của nhà sư sau này cũng được cải biên dần thành bánh wagashi, đơn cử như yokan (thạch làm từ đậu đỏ) và manju (bánh bao nhân đậu).
Mãi tới thời mạc phủ Muromachi thì ở Nhật mới biết cách làm đường, nhưng số lượng rất ít (vì làm theo kiểu thủ công của Trung Quốc), và là một thứ xa xỉ phẩm.
Và vì thế wagashi thời kỳ này trở về trước thực sự phát triển ì ạch.
Phải đợi tới khi cơn sóng thứ ba tràn tới, thời điểm Nhật Bản giao thương với người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. Văn hóa bánh Âu truyền bá vào Nhật, và quan trọng nhất chính là đường kính.
Chính nhờ đường kính của người phương Tây mà wagashi phát triển rực rỡ chưa từng có bắt đầu từ thời Edo.
Gần như tất cả những chiếc bánh wagashi mà bạn vẫn thấy ngày nay đã có từ thời Edo.
Mới đầu bánh chỉ được phục vụ trong giới thượng lưu, giới samurai và các thiền sư, dần dần wagashi đã lan cả ra những tầng lớp bình dân hơn.
Đường, bột, đậu, chỉ ba thứ, rất dễ kiếm, và cũng rất rẻ, nhưng qua bàn tay tài hoa của người thợ làm bánh mà đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật độc đáo, từ hoa cỏ bốn mùa cho tới thơ ca hội họa.
Có những giai đoạn nước Nhật khó khăn, người dân sống nghèo khổ cùng cực, chẳng có tiền mua những món quà xa xỉ tặng nhau. Họ làm những chiếc bánh wagashi từ nguyên liệu rẻ tiền ấy, với tất cả tình cảm và sự khéo léo cùng niềm tin là người nhận hộp bánh sẽ cảm nhận được.
Có lẽ nó cũng chính là tinh hoa của bánh Nhật, nồng ấm tình người.
Thế mới nói, thưởng thức bánh wagashi phải dùng cả tâm hồn.

Tham khảo từ facebook của Heo Vespa @ Wagashi House