Mặc dù các Trang tin chính thống của Việt Nam cùng 2 kênh truyền hình là VTV1, VTV3 đã đăng tải thông tin “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, GS Trần Văn Thọ và GS Trần Ngọc Phúc tuyên bố sẽ tặng Hà Nội và TP. HCM 2.000 chiếc máy trợ thở”. Tuy nhiên, GS Thọ đã trả lời các phóng viên qua email rằng ‘Đài VTV1 nói không chính xác’.
Vào lúc 16h45 phút chiều ngày 30/3, trang web của đài Truyền hình Việt Nam (VTV) đã đăng tải thông tin, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong một cuộc họp của Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 rằng hai Giáo sư người Việt ở Nhật Bản, là GS Trần Văn Thọ và GS Trần Ngọc Phúc, “đã tuyên bố sẽ tặng Hà Nội và TP. HCM 2.000 chiếc máy trợ thở”.
Bản tin của VTV cho biết thêm, hai vị Giáo sư này “sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong nước sản xuất máy trợ thở”.
Các kênh truyền hình: VTV1 vào lúc 18h, kênh VTV3 vào lúc 19h15h cũng đã đăng tải thông tin, Giáo sư Trần Văn Thọ (Tokyo, Japan) cùng cộng sự ông Trần Ngọc Phúc sẽ tặng cho ngành Y tế Việt Nam 2.000 máy trợ thở trong vòng một tháng, đồng thời sẽ chuyển giao công nghệ để Việt Nam tự sản xuất.
Đến khoảng 9h tối cùng ngày, hàng loạt trang tin chính thống như VTC News, VietnamBiz, VietnamFinance, Phụ Nữ Online,… cũng đã đăng tải thông tin này. Ngoài ra, trên các diễn đàn xã hội lớn như Voz, Otofun, Linkhay,… cả trên mạng xã hội Facebook thông tin này được lưu truyền rất nhanh, nhiều người vui mừng, phấn khởi và kỳ vọng vào sự kiện này, vì “máy thở rất đắt, cả thế giới đều thiếu”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên qua email, Giáo sư Trần Văn Thọ, chuyên ngành kinh tế tại Đại học Waseda, Tokyo, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Việt Nam, vào sáng 31/3, (giờ Nhật Bản) khẳng định, “mới đây một số cơ quan truyền thông có thông tin không chính xác” về việc ông và đồng nghiệp tại Nhật tài trợ 2.000 máy trợ thở.
Dưới đây là email phản hồi của Giáo sư Trần Văn Thọ:
Trong tình hình dịch bệnh này tôi đã đề nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc:
(1) Phải chuẩn bị đối phó ngay tình huống dịch bệnh lây lan nhanh kéo theo hiện tượng gọi là sự sụp đổ của hệ thống y tế (medical collapse).
(2) Một trong những chuẩn bị cần thiết là cho sản xuất ngay một số lượng máy trợ thở cần thiết, bổ sung cho số thiếu hụt hiện tại và sản xuất một số lượng dự phòng.
Trước mắt sản xuất 2.000 chiếc, sẽ tăng lên 10.000 trong vòng 3 tháng tới.
Trên thế giới nước nào cũng thiếu loại máy này nên song song với đáp ứng nhu cầu trong nước có thể phát triển thành công nghiệp xuất khẩu máy y tế.
Tôi đã đến gặp anh Trần Ngọc Phúc (cựu du học sinh tại Nhật), người sáng lập công ty Metran chuyên sản xuất máy trợ thở cho người bị bệnh về đường hô hấp để bàn về tính khả thi của đề án này.
Rất may là Metran vừa phát minh một loại máy trợ thở nhỏ, dễ thao tác và giá thành thấp. Mừng là anh Trần Ngọc Phúc đồng ý chuyển giao công nghệ này về Việt Nam.
(3) Tôi gửi thư cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày hôm kia (28/3), hôm qua (29/3) anh Phúc điện thoại sang nói rất tán thành đề án này và đề nghị giúp triển khai ngay.
(4) Chiều hôm nay (30/3), trong phiên họp của Chính phủ, Thủ tướng đã nói về đề án này và giao cho một phó Thủ tướng phụ trách .
Công ty Metran sẽ cùng với phía Việt Nam triển khai sản xuất ngay trong tháng tới.
Đài VTV1 tường thuật phiên họp của chính phủ và nói về đề án này nhưng lại nói không chính xác.
Xin vắn tắt giải thích thêm như vậy. Tôi cũng sẽ dùng nội dung nói trên để trả lời câu hỏi liên quan từ nhiều tờ báo trong nước.
Được biết, Giáo sư Trần Văn Thọ sinh năm 1949, quê ở Quảng Nam.
Năm 1967, ông sang Nhật Bản du học, tại đây ông đã lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Hitotsubashi (Tokyo).
Sau đó, ông Trần Văn Thọ làm việc tại Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản, ông tiếp tục làm Phó giáo sư, rồi Giáo sư Đại học Obirin (Tokyo).
Từ năm 2000 đến nay, ông công tác tại Đại học Waseda (Tokyo) và vẫn đang sinh sống ở Nhật.
Ông Nguyễn Đức Chung: Hà Nội chỉ có 300 máy thở/8 triệu dân
Chiều qua 1/4, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc họp của Ban Chỉ đạo phòng, chống Covid-19.
Tại cuộc họp, Chủ tịch Hà Nội cho biết các bệnh viện của thành phố có lượng máy thở rất hạn chế, tổng cộng chỉ khoảng 300 chiếc.
“Ở Pháp có 85 triệu dân thì có 17.000 máy thở, chia trung bình 5 triệu dân có 1.000 máy thở; ở Đức 1,7 triệu dân có 1.000 máy thở nhưng ở Hà Nội 8 triệu dân chỉ có 300 máy thở, nếu để dịch bùng phát thì sẽ là ‘đại họa’, ông Chung cho biết.
Ông Chung nhận định, dịch virus Vũ Hán (Covid-19) trên thế giới diễn biến phức tạp, các ca nhiễm và ca tử vong đều tăng nhanh. Với tốc độ lây lan virus như hiện tại, chỉ khoảng 3 ngày nữa, mốc 1 triệu người nhiễm virus Vũ Hán trên toàn cầu sẽ bị vượt qua.
Ông Chung cho biết thêm, tỷ lệ số người nhiễm bệnh nhưng không có biểu hiện ra bên ngoài ở Trung Quốc chiếm tới 65%, và ở Việt Nam cũng có những người dương tính không có biểu hiện bệnh nhưng những người này vẫn lan dịch virus Vũ Hán (Covid-19) ra cộng đồng.
Ngoài ra, theo ông Chung, Hà Nội có dân số tương tự Vũ Hán, New York, trong khi điều kiện và cơ sở vật chất thua kém rất nhiều, do đó cần tránh lây lan diện rộng, phải khoanh vùng và dập từng “đốm” dịch nhỏ.
Về số nhân viên y tế tham gia chống dịch virus Vũ Hán, ông Chung thông tin, ở các nước bị nhiễm và tử vong là khá cao, tại Tây Ban Nha có hơn 15.000 y tá, bác sĩ nhiễm virus Vũ Hán (Covid-19), tại Italy có hơn 6.000 và tại Pháp có 1.400 bác sĩ, nhân viên y tế nhiễm bệnh.
Do đó, tại Chủ tịch Hà Nội yêu cầu ổ rà soát lại ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, liên quan đến Công ty Trường Sinh, yêu cầu kiểm tra lại tất cả dịch vụ mà công ty này cung cấp. Vì nếu để nguồn cung cấp nhiễm bệnh thì việc lây lan sẽ rất nhanh, giống như “con nước đầu nguồn bị nhiễm chảy ra biển lớn”.
Từ Nguyên (t/h)