Tinh Hoa

Thời tiết xấu trải khắp thế giới: Mỹ lạnh như sao hỏa, Australia nóng chảy nhựa đường

Trong khi từ Mỹ qua châu Âu đến Trung Quốc, Ấn Độ đều đang lạnh run, Australia lại nắng nóng kỷ lục đến mức làm chảy nhựa đường… Dường như chưa bao giờ thời tiết lại nhiều đáng ngại như lúc này.

Một người đi bộ qua cầu Brooklyn trong khi tuyết rơi. (Ảnh: Reuters)

Vào ngày 4/1, cơn bão Grayson được mô tả là “bom bão” đã “tấn công” bờ Đông nước Mỹ gây tuyết rơi dày đặc (dày hàng cm trong một giờ) và bão tuyết khiến nhiệt độ giảm mạnh.

Các chuyên gia khí tượng cho biết, đúng vào lúc này, ngoài biển xuất hiện khối khí nóng ẩm cộng với khối khí lạnh từ Bắc Cực tràn xuống, kết hợp với cơn bão Grayson đã biến thành trận “bom bão tuyết” lạnh kỷ lục trong vòng 100 năm qua tại Mỹ. Trên Đài CNN, nhà khoa học Taylor Regan cho rằng nhiệt độ kiểu này còn lạnh hơn cả ở bề mặt sao Hỏa!

Hôm 5/1, nhiệt độ trên đỉnh núi Washington ở New Hampshire, Mỹ,  tụt xuống  -29oC, theo Time. Độ lạnh giảm xuống trong khoảng từ -57 đến -62oC tính cả gió lạnh (windchill). Trong đêm, nhiệt độ không khí đạt mức -40oC và sức gió 160 km/h khiến độ lạnh lên đến -73oC.

Cụ thể ngày 7/1, Trung tâm khí tượng quốc gia Mỹ (NWS) thông báo, sau khi “bom bão tuyết” càn quét qua khu vực Đông Bắc nước Mỹ (từ bang Florida lên New England), nhiệt độ tại khu vực này giảm mạnh kỷ lục xuống còn 0oC.

Khủng khiếp hơn, theo Đài quan sát Mount Washington, vào ngày 7/1, nhiệt độ tại đỉnh núi Washington, nơi nổi tiếng với cơn lạnh thấu xương và những cơn gió dữ dội, hạ xuống mức -68oC, lập kỷ lục lạnh thứ hai trên hành tinh vào thời điểm đó (sau Nam Cực).

Các phi trường ở New York bị tê liệt vì tuyết, nước lụt lạnh buốt xương ở Boston, điện cúp nhiều nơi do thời tiết xấu gây ra…

Grayson có thể là trận bão mạnh nhất (vào thời điểm này trong năm) xuất hiện ngoài khơi New England trong nhiều thập kỷ qua.

Lực lượng cứu hộ Mỹ lội trong nước lụt lạnh cóng ở TP Boston ngày 4/1. (Ảnh: Reuters)

Các điều kiện thời tiết cực đoan xuất hiện cùng lúc khiến Cơ quan Khí tượng quốc gia Mỹ phải lên tiếng cảnh báo người dân đề phòng. “Ngoài sự tích tụ của băng và tuyết, gió mạnh có thể làm ngã đổ cây cối và gây mất điện. Lũ cũng là một khả năng” – cơ quan này thông tin.

Trong khi đó, châu Âu cũng khốn khổ với bão tuyết có tên mỹ miều là Eleanor. Khu vực dãy núi Alps của Pháp ngày 4/1 đã được đặt trong tình trạng cảnh báo lở tuyết ở mức cao nhất khi cơn bão Eleanor quét qua.

Eleanor là cơn bão mùa đông thứ 4 tác động tới châu Âu kể từ tháng 12/2017, đã quét qua nhiều nước trong ngày 3/1 sau khi hoành hành ở Anh và Ireland.

Khi quét qua Thụy Sĩ, bão Eleanor làm nhiều cây đổ và lật một toa tàu khiến 9 người bị thương. Tại Áo, vùng Tyrol đã ban bố mức cảnh báo số 4 trong thang cảnh báo gồm 5 mức đối với một số vùng.

Bão Eleanor cũng quét qua hầu hết khu vực miền tây và Tây Nam nước Đức với sức gió hơn 120km/h kèm mưa lớn, gây gián đoạn hoạt động giao thông. Mực nước các sông ở bang North Rhine-Westphalia cũng dâng lên mức nguy hiểm. Cơ quan Khí tượng Đức dự báo, mưa sẽ còn kéo dài trong vài ngày tới, đặc biệt tại miền Tây Nam của Đức.

Nước dâng cao trên sông Rhine, ở TP Linz của Đức ngày 5/1. (Ảnh: Reuters)

Theo truyền thông Trung Quốc, dù đây mới chỉ là trận tuyết đầu tiên trong năm 2018, nhưng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống sinh hoạt của người dân các nơi.

Đối lập với thời tiết lạnh giá ở các nước trên, Australia đang hưng chịu đợt nắng nóng kỷ lục. Nhiệt độ ghi nhận ở nhiều khu vực của Australia rất cao như Richmond 46,3oC, Bankstown là 45oC hay Melbourne 40,1oC. Đặc biệt nhiệt độ ở Penrith, khu vực phía tây thành phố Sydney, vào chiều 7/1 lên tới 47,3oC , mức cao nhất kể tư năm 1939.

Nắng nóng làm tan chảy nhựa trên cao tốc Hume nối giữa Sydney và Melbourn. (Ảnh: Twitter)

Các cảnh báo hỏa hoạn đã được phát đi trên toàn thành phố Sydney. Theo 9News Australia, chỉ riêng trong ngày 7/1 đã xảy ra 51 vụ cháy ở Sydney. Trước đó, cháy rừng cũng đã phá hủy nhiều ngôi nhà và đe dọa mạng sống của người dân ở 3 bang tại Australia là Victoria, South Australia và Tasmania.

Thời tiết nắng nóng dự kiến sẽ vẫn tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới và nhiệt độ ở khu vực phía tây Sydney được cho là vẫn ở mức trên 40 độ C.

Tú Văn (t/h)