Giống như cơ thể, não bộ cần luyện tập thường xuyên ngay từ khi còn trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn lão hóa. Trong đó, việc duy trì các thói quen như đọc sách, kể truyện cho con cháu nghe… có thể giúp não bộ được rèn luyện, từ đó phòng ngừa nguy cơ bị suy giảm trí tuệ.
Chúng ta đã biết, bệnh mất trí nhớ ở người già là hệ quả tất yếu khi đến giai đoạn lão hóa. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể để đẩy lùi việc đó, bằng cách luôn bắt não bộ phải hoạt động thông qua các việc như đọc hoặc viết.
Tiến sĩ Jennifer J.Manly thuộc khoa Y học và Giải phẫu của trường ĐH Columbia chia sẻ:
“Các nghiên cứu được thực hiện trước đây đã chỉ ra rằng, việc thực hiện các hành động như đọc một mẩu báo, viết, hay giúp con cháu giải bài tập có thể giúp con người thúc đẩy việc sử dụng não bộ, ngăn ngừa nguy cơ bị suy giảm trí tuệ, duy trì một bộ não khỏe mạnh và bền vững.”
Kết quả của nghiên cứu
Tiến sĩ Manly là tác giả của một nghiên cứu mới về chứng suy giảm trí tuệ được công bố trên tạp chí Neurology, một tạp chí được xuất bản bởi Học viện Thần kinh học Hoa Kỳ. Nghiên cứu đã thực hiện kiểm tra khả năng tư duy và ghi nhớ của 983 người có trình độ học vấn thấp trong độ tuổi trung bình từ 77 tuổi tại phía bắc Manhattan, để xác định xem liệu trình độ học vấn có tác động đến nguy cơ bị suy giảm trí tuệ hay không. Trong số những người tham gia khảo sát, có 237 người không biết đọc và viết.
Nhóm đối tượng khảo sát không có khả năng đọc và viết cho ra kết quả kém khả quan hơn. 35% số người khảo sát không có khả năng đọc và viết bị chuẩn đoán là suy giảm trí tuệ, trong khi đó với nhóm người có khả năng đọc viết, con số này chỉ là 18%. Quá trình so sánh giữa hai nhóm đối tượng này tiếp tục được thực hiện trong 4 năm tiếp theo, và số liệu trung bình thu được cho thấy 48% người thuộc nhóm không có khả năng đọc viết bị mắc chứng suy giảm trí tuệ, trong khi đó con số này là 27% đối với nhóm có khả năng đọc viết.
Một bộ não khỏe mạnh khi về già
Việc duy trì các hoạt động của não bộ là một giải pháp quan trọng trong việc phòng ngừa suy giảm trí tuệ. Các nhà nghiên cứu thuộc trường ĐH Michigan đã công bố một nghiên cứu năm 2017 cho thấy khả năng mắc chứng suy giảm trí tuệ sẽ tỉ lệ nghịch với trình độ học vấn của một cá nhân. Dù không phải ai cũng lựa chọn học cao lên đại học và lấy bằng, nhưng nghiên cứu của Manly chỉ ra rằng ngay cả những hoạt động não bộ thường ngày mà chúng ta coi là điều hiển nhiên như đọc và viết cũng có thể đem lại nhiều lợi ích đáng kinh ngạc cho sau này.
Dưới đây là một số phương pháp giúp rèn luyện trí tuệ do trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) giới thiệu
Đi bộ hay chạy bộ
Duy trì cuộc sống vận động nói chung và năng chạy bộ hay đi bộ nói riêng được xếp đầu bảng trong việc giúp tăng cường trí nhớ cho con người. Nó không chỉ làm tăng cơ bắp mà còn làm tăng khối lượng chất xám trong não.
Chế độ ăn dinh dưỡng
Người cao tuổi cần chú trọng bổ sung những dưỡng chất có lợi cho não bộ, đặc biệt là các sản phẩm chứa PS – Phosphatidyl Serine . Đây là thành phần cấu tạo nên màng trong của các tế bào neuron thần kinh, đóng nhiệm vụ quan trọng trong việc giảm nguy cơ suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi.
Ngoài ra có thể bổ sung thêm các thực phẩm chứa các axit béo omega-3 ( chứa nhiều trong cá và thực phẩm dạng hạt, sôcôla). Và thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như quả việt quất, táo, chuối, rau xanh thẫm màu, tỏi và cà rốt,
(Chất chống oxy hóa là những phân tử “tìm và diệt” các gốc tự do trôi nổi trong máu là thủ phạm làm cho con người chóng già, tiêu diệt tế bào não)
Đồng thời, người cao tuổi nên hạn chế ăn mặn, tránh các chất béo có hại từ các loại mỡ và da động vật, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…
Chất lượng giấc ngủ
Duy trì chất lượng giấc ngủ và ngủ đủ giấc từ 7 – 8 tiếng, kể cả giấc ngủ trưa có thể cải thiện tình trạng não bộ của bạn. Bởi giấc ngủ chất lượng mang đến cho con người nhiều lợi thế, trong đó có những lợi thế mang tính sinh học bởi khi ngủ, não làm nhiệm vụ truy cập, xử lý thông tin diễn ra trong ngày trước khi đưa vào bộ nhớ dài kỳ.
Các trò chơi rèn luyện trí óc
Có nhiều cách để tập luyện trí óc của bạn, chẳng hạn thông qua các trò chơi giúp tăng cường khả năng nghe, tập trung, chú ý, ngôn ngữ, logic, phản xạ, phối hợp tay-mắt, xếp chữ cái, khả năng thị giác và các khả năng đặc biệt khác như Sudoku và giải ô chữ có thể tìm thấy trên các tờ báo, hoặc có thể là chơi cờ vua, cờ tướng, cờ vây cùng bạn bè hoặc người thân…
Ngoài ra, âm nhạc cũng có tác động rất tốt đến não bộ con người, đồng thời có thể khuyến khích người cao tuổi tập chơi thử một loại nhạc cụ, cũng giúp cải thiện không chỉ trí nhớ mà tinh thần rất hiệu quả.
Chúc Di (t/h)