Một bệnh nhân Đài Loan nhận được gan và thận thích hợp chỉ trong vòng một tháng ở bệnh viện phía bắc Trung Quốc, theo bài phỏng vấn độc quyền ngày 30/10 do Đài truyền hình Tân Đường Nhân (NTD) có trụ sở tại New York thực hiện.
Khoảng thời gian chờ nội tạng cấy ghép cực kì nhanh biến Trung Quốc trở thành điểm đến nổi tiếng nhất của ngành du lịch ghép tạng. Bệnh nhân từ các quốc gia khác dồn tới Trung Quốc để được phẫu thuật thay nội tạng. Thời gian trung bình để một bệnh nhân tại Mỹ nhận được quả thận phù hợp là 4 năm, theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ.
Bệnh nhân xơ gan người Đài Loan được cấp thị thực du lịch Trung Quốc đã tìm đến bệnh viện Thiên Tân vào tháng 09/2012.
Thân nhân của người bệnh (không muốn tiết lộ danh tính) kể lại, có một bác sĩ phẫu thuật đã gợi ý cho họ làm hai ca ghép tạng.
“Ban đầu, chúng tôi định đến cấy ghép gan. Nhưng các chuyên gia phẫu thuật đề nghị chúng tôi cấy ghép luôn cả thận và gan cùng lúc để sau này khỏi phải ghép thận nữa”, thành viên gia đình bệnh nhân chia sẻ.
Lời đề nghị làm thêm một ca phẫu thuật không khác gì tiếp thị này khá “bất thường”, trong khi cùng lúc có được thận và gan phù hợp là điều không thể tại Đài Loan, NTD nhận định.
Tuy nhiên, tất cả những ai muốn tìm nội tạng phù hợp đều không gặp mấy khó khăn khi tới Trung Quốc, vì chỉ trong một tháng bệnh viện đã xác nhận có nội tạng đúng yêu cầu.
Cả bệnh nhân lẫn người nhà đều không được cung cấp thông tin về nguồn gốc nội tạng mà họ nhận, gia đình này cho biết. “Tôi thậm chí còn không biết điều kiện như thế nào mới là phù hợp”, người bệnh nói.
Theo thành viên của gia đình này, khu vực bệnh nhân đặc biệt được xây dựng dành riêng cho khách quốc tế đến cấy ghép tạng nằm tại tầng 10 của bệnh viện với hệ thống an ninh cực kì nghiêm ngặt.
Toàn bộ thời gian cho chuyến du lịch ghép tạng là 3 tháng lưu lại tại Trung Quốc đại lục cùng tổng chi phí cho bệnh nhân và gia đình là 500.000 USD. Tuy nhiên, bệnh nhân này bị nhiễm trùng và đột quỵ nên còn trong viện, gia đình cho hay.
Họ còn kể, thời gian chờ một tháng cũng chưa phải là nhanh vì có bệnh nhân chỉ chờ 1 tuần để được cấy ghép tạng.
Khoảng thời gian chờ ghép tạng nhanh chóng cũng được truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá. Bệnh nhân tăng U-rê huyết Xue Yanlin đã thực hiện hai ca ghép thận chỉ trong vòng 48 giờ tại bệnh viện Hải Điến, Bắc Kinh vào tháng 12/2004, theo Thời báo Bắc Kinh.
Xue nhập viện ngày 19/12/2004 và chỉ 9 ngày sau đó, cô được bệnh viện thông báo đã có thận phù hợp. Bác sĩ Han Xiuwu là người thực hiện ca phẫu thuật tối ngày 28/12.
Vào ngày tiến hành phẫu thuật, Xue lặp đi lặp lại rằng “Sao mà nhanh vậy. Mình còn chưa kịp chuẩn bị”, chồng của Xue chia sẻ với tạp chí Phương Nam, tờ báo được Ủy ban tỉnh Quảng Đông hậu thuẫn.
Lần cấy ghép đầu tiên thất bại vì cơ thể bệnh nhân không tiếp nhận quả thận này. Xue được báo là có một quả thận khác vào ngày 30/12, nhưng ca ghép cũng không thành công. Xue qua đời ngày 30/01/2005.
Sau thời điểm phát động chiến dịch bức hại học viên Pháp Luân Công năm 1999, số ca cấy ghép tạng tăng lên đột biến. Hiện Trung Quốc là quốc gia có số ca cấy ghép tạng đứng thứ hai, chỉ sau Mỹ.
Giám đốc Bệnh viện Đệ tam Phụ Chúc thuộc Đại học Trung Sơn là Chen Guihua, một chuyên gia cấy ghép gan đã thực hiện 246 ca cấy gan trong năm 2005, bằng 1/3 số ca thực hiện trong suốt 12 năm trước ở đây, theo tạp chí Phương Nam.
Trung Quốc chưa bao giờ công bố nguồn gốc nội tạng khiến họ có thể phát triển mạnh mẽ dịch vụ này. Tháng 11/2012, Thứ trưởng Bộ y tế Hoàng Khiết Phu nói với báo giới, các ca ghép tạng tại Trung Quốc từ lâu đều dựa trên nguồn nội tạng của tử tù.
Nguồn cấp nội tạng tại Trung Quốc không rõ ràng, kinh doanh tạng bất hợp pháp và du dịch ghép tạng tràn lan, ông Hoàng nhận định.
Một số báo cáo và điều tra quốc tế trong những năm gần đây đã chỉ ra, số lượng tử tù không đủ để đáp ứng nhu cầu ghép tạng quá lớn tại Trung Quốc. Trong báo cáo cũng chỉ rõ, sự thiếu hụt này được bù đắp bằng nội tạng của tù nhân lương tâm còn sống tại Trung Quốc.
Nghiên cứu tiên phong về vụ việc được thực hiện bởi cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas trong bài báo cáo và sau đó là cuốn sách “Thu hoạch đẫm máu”. Kilgour và Matas kết luận, trong những năm 2000 – 2005, hầu hết nguồn nội tạng cho khoảng 41.500 ca phẫu thuật đều từ học viên Pháp Luân Công.
Sau 7 năm điều tra, phóng viên đã nghỉ hưu và chuyên gia về Trung Quốc là Ethan Gutmann xuất bản cuốn sách “Cuộc thảm sát: Giết người hàng loạt, thu hoạch nội tạng và giải pháp bí mật của Trung Quốc về vấn đề bất đồng chính kiến”. Cuốn sách sử dụng tư liệu từ phỏng vấn học viên Pháp Luân Công sống sót ra khỏi các trại lao động của chính quyền Trung Quốc cùng các bằng chứng khác, giúp người đọc thấy được bức tranh toàn diện hơn về hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng tại quốc gia này.
Thiên Hà, Hàn Mai – Theo Epoch Times