Gần đây, Facebook đã đạt một cột mốc ấn tượng, một tỷ người – 1/7 số người trên Trái đất sử dụng Facebook để kết nối với bạn bè và gia đình của họ. Không chỉ Facebook, một vài công ty khác như Uber, Google và Twitter đang tận dụng sức mạnh mạng xã hội để làm thay đổi căn bản cách mọi người trên thế giới giao tiếp và trao đổi thông tin.
Theo ông Sreedhar Potarazu, người sáng lập và là CEO của công ty phần mềm VitalSpring Technologies, những ngụ ý từ cột mốc 1 tỷ người dùng facebook là rất lớn và không chỉ đối với Facebook. Con số 1 tỷ (nhiều hơn gấp ba lần dân số của Hoa Kỳ) cho thấy mọi thứ đã thay đổi quá nhanh đến nhường nào trong thế giới của chúng ta, và chúng sẽ tiếp tục thay đổi nhanh hơn đến mức nào.
Facebook và một vài công ty khác như Uber, Google và Twitter đang tận dụng sức mạnh mạng xã hội để làm thay đổi căn bản cách mọi người trên thế giới giao tiếp và trao đổi thông tin. Các công ty này đang phân tích một lượng dữ liệu vô cùng lớn mỗi giây mà có ảnh hưởng đến hơn 1 tỷ người mỗi ngày. Và chúng chỉ vừa mới bắt đầu. Chỉ cần xem xét điều này:
Giảm thời gian từ điểm A đến B
Uber đã tạo ra một nền tảng cho phép người dân di chuyển từ một địa điểm này đến địa điểm khác ở 60 quốc gia. Google cho phép chúng ta tra cứu thông tin theo nhu cầu. Lần cuối cùng bạn đến thư viện địa phương để tìm một cái gì đó trong một cuốn sách tham khảo là khi nào? Facebook và Twitter cho phép chúng ta tương tác theo thời gian thực không chỉ với gia đình, bạn bè và đồng nghiệp, mà cả với bất cứ ai trên thế giới có truy cập Internet.
Dễ dàng truy cập gần như tất cả các thông tin
Bất kể bạn muốn tìm hiểu cách thức chơi đàn banjo, huấn luyện một con chó, thực hiện phẫu thuật não hay tham dự các lớp học đại học, tất cả mọi thứ bạn cần biết đều ở trong tầm tay của bạn trong khoảng thời gian ngắn nhất và theo cách thuận tiện nhất có thể.
Toàn bộ mạng Internet nằm trong túi của bạn
Một chiếc máy tính cá nhân ràng buộc chúng ta với chiếc bàn; một máy tính xách tay thì cần một bề mặt phẳng. Nhưng một chiếc điện thoại thông minh nằm gọn trong một bàn tay và kết nối chúng ta với tất cả mọi người, mọi thứ, mọi nơi, cho dù chúng ta đang ở đâu, Manhattan hay Madagascar. Điều này là hoàn toàn chưa từng có trong lịch sử loài người. Không hoài nghi gì nữa, nó chắc chắn đã ảnh hưởng đến cách chúng ta hoạt động trong cuộc sống hàng ngày.
Là một “người tiêu dùng” tin tức và thông tin, tôi phụ thuộc vào Facebook và Twitter để cập nhật tất cả mọi thứ tôi cần biết nhanh hơn so với những gì truyền hình hoặc đài phát thanh từng làm.
Là một khách du lịch, tôi nhờ vào Uber để tìm kiếm một chiếc xe đến chính xác địa điểm của tôi và đưa tôi tới điểm cần đến trong thời gian ngắn hơn so với việc tôi đi bắt taxi trong giờ cao điểm.
Là một bác sĩ, tôi nhận thấy cách chia sẻ một lượng lớn dữ liệu này ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng như thế nào. Chúng ta có thể dự đoán các cuộc khủng hoảng sức khỏe sớm hơn, điều này cho phép chúng ta phản ứng nhanh hơn. Ví dụ như Google đã sử dụng công cụ tìm kiếm của mình để xác định nơi mọi người đang tìm kiếm thông tin về bệnh cúm. Thông tin đó cho phép nhân viên y tế xác định sự bùng phát dịch một cách nhanh chóng hơn và dự đoán với độ chính xác cao nơi dịch bệnh sẽ lây lan.
Ngành công nghiệp công nghệ cao đã làm giảm đáng kể khoảng cách và thời gian giữa các điểm A và điểm B trong việc chia sẻ thông tin. Và bây giờ, việc nói về những con số khổng lồ như 1 tỷ người trở nên khả dĩ.
Nếu chúng ta nhìn vào vấn đề chăm sóc sức khỏe, những ngụ ý có thể là:
- Chúng ta sẽ thấy những tiến bộ nhiều hơn và tốt hơn trong điều trị bệnh, bởi vì chúng ta sẽ có thể phát hiện bệnh sớm hơn.
- Chúng ta sẽ có thể cảnh báo cho mọi người về thảm họa thiên tai sắp xảy ra, bởi vì chúng ta sẽ nhận được thông tin một cách nhanh chóng hơn.
- Chúng ta sẽ có thể cung cấp việc điều trị ngay cả đối với người dân ở những nơi xa xôi nhất trên thế giới, nhờ vào sự kết nối của Internet.
Nhưng cũng có những thứ phải đánh đổi
Vấn đề đời tư là một trong số đó, bởi vì những gì mọi người quan tâm hay không quan tâm chia sẻ là không thể đoán trước. Chúng ta cũng không thể chắc chắn rằng các công ty sẽ muốn chia sẻ dữ liệu. Ví dụ, một thiết bị đeo có chứa dữ liệu từ hàng triệu người có thể dự đoán rằng bạn sắp bị một cơn đau tim. Nhưng liệu nhà sản xuất thiết bị đó có chia sẻ dữ liệu với một dịch vụ xe cứu thương để tự động tăng tốc đến cứu bạn hay không? Liệu cửa hàng dược phẩm có chia sẻ dữ liệu với một công ty như Uber và sẽ gửi toa thuốc đến tận nhà của bạn thay vì buộc bạn phải đến lấy hay không?
Và ai sẽ trả tiền cho tất cả điều này? Những dịch vụ này và các điện thoại thông minh là không hề rẻ để chúng ta có thể sử dụng chúng. Thực tế là nhiều người cần chúng nhưng không có đủ khả năng chi trả. Việc làm cho Internet trở nên sẵn sàng để sử dụng đối với tất cả mọi người trên thế giới là một thành tựu lớn chỉ khi tất cả mọi người trên thế giới có đủ khả năng để sở hữu thiết bị giúp kết nối với nó. Liệu Apple, Samsung và các nhà sản xuất điện thoại thông minh khác có sẵn sàng “đơn giản hóa” những chiếc điện thoại thông minh của họ để biến chúng trở nên có giá cả phải chăng hơn?
Đây là những câu hỏi mà sẽ phải sớm được trả lời, vì con số 2 tỷ có thể đang rất gần.
Theo Tintuc.vn