Một huấn luện viên lặn đã có dịp chạm trán con sứa khổng lồ dài 2 mét ở bờ biển phía Tây xứ Wales, Anh Quốc.
Con sứa khổng lồ được Lloyd Jones, một huấn luyện viên lặn ở bờ biển St Brides Haven, xứ Wales, phát hiện vào tuần trước.
“Con sứa dài khoảng 2 mét. Người bạn gái lặn cùng Angharad Rees chỉ về phía con sứa khi nó bơi qua đầu chúng tôi“, Wales Online dẫn lời Jones.
Con vật trên được cho là sứa la bàn có tên khoa học là Chrysaora hysoscella. Đây là loài sứa lớn có màu nâu và cam. Ngoài hơn 20 chiếc xúc tu, chúng có 4 ống gọi là cánh tay miệng (mouth arm) dài hơn cả xúc tu. Các xúc tu của loài vật này gồm nhiều tế bào chứa nọc độc để bắt mồi và có thể gây ra vết đốt vô cùng đau đớn cho con người.
Sứa không có não, nhưng chúng có một hệ thống thần kinh sơ cấp với các cơ quan thụ cảm có khả năng phát hiện ánh sáng, sự dao động và các hóa chất có trong nước. Những khả năng trên cùng với cảm giác đối với trọng lực giúp cho sứa có thể định hướng và di chuyển trong nước một cách dễ dàng.
Chúng thuộc loài động vật không xương sống với khoảng 95% cơ thể của nó là nước, có họ hàng với hải quỳ và san hô.
Jones cho hay, “chúng tôi gặp rất nhiều sứa trong 2 tuần qua. Nhiệt độ nước biển tăng lên đang ảnh hưởng tới số lượng và đặc điểm di cư của chúng“.
Nhiều loài sứa sống ở vùng nước ấm, nên khi nhiệt độ nước tăng cao chúng sẽ tập trung lại, và chắc chắn sẽ thu hút nhiều loài săn mồi khác như cá mập, rùa biển.
Ngoài ra, các nhà khoa học cho rằng sứa xuất hiện nhiều là do con người khai thác nguồn lợi hải sản quá mức, khiến các loài ăn thịt không thể khống chế số lượng sứa khi chúng còn nhỏ.
Tổng hợp