Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (ISIS) tự xưng đã trở thành nỗi ám ảnh của hàng nghìn người, thậm chí một thiếu nữ Yazidi đã tự thiêu chỉ vì tưởng rằng có phiến quân ISIS đang tiến vào lều của mình.
Yasmin từng sống tại một trại tị nạn Iraq trong 2 tuần, nhưng mỗi giờ trôi qua đều gợi lại ký ức hàng tuần dài bị tra tấn và cưỡng hiếp khi còn ở trong tay ISIS. Thiếu nữ Yazidi này là một cô gái xinh đẹp, nhưng đó lại là điều bất hạnh của cô.
Có một lần, cô tưởng rằng môt chiến binh ISIS ở bên ngoài lều của mình và chuẩn bị bước vào. Trong cơn hoảng loạn, cô gái Yazidi vội vàng đổ bình xăng lên người, châm lửa đốt cháy cơ thể với mong muốn thoát khỏi sự xâm hại của những tên khủng bố.
Hậu quả của việc tự thiêu là cô gái không còn mũi, và mất đi tai trái. Bác sĩ người Đức Jan Ilhan Kizilhan tìm thấy cô tại một trại tị nạn vào năm 2015 trong tinh trạng cả cơ thể và tinh thần đầy sẹo, vẫn sợ rằng những tên bắt cóc cô trước đây sẽ tìm đến.
Yasmin là một trong số 1.100 phụ nữ, chủ yếu đến từ cộng đồng thiểu số theo đạo Yazidi, trốn thoát được sự giam cầm của ISIS và đang ở Đức để điều trị tâm lý.
Chương trình tiên phong mà bác sĩ Kizilhan vận hành thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, đang cố gắng giải quyết một vấn đề căn bản: Những người phụ nữ được giải cứu sau một thời gian dài vẫn còn các chấn thương về cơ thể lẫn tinh thần.
Khi nhắc lại câu chuyện của mình, Yasmin khom người, nắm chặt đôi tay bị biến dạng trong trận tự thiêu và nhìn xuống sàn nhà, nhưng cô bỗng nhiên ngồi thẳng lên với khuôn mặt bừng sáng khi nhớ lại lần đầu tiên Kizilhan bước vào lều của mình trong trại tị nạn và hỏi 2 mẹ con cô, bằng ngôn ngữ của họ, ông có thể giúp họ đến Đức không?
“Tôi nói, tất nhiên tôi muốn đến đó và được an toàn, trở lại là một Yasmin như xưa“, cô kể lại. Cô không muốn để họ của mình vì sợ có thể bị trả đũa từ những người có cảm tình với ISIS.
Sau cuộc tấn công ISIS, “không một người Yazidi nào còn được tự do trong khu vực Sinjar”, một chuyên gia của Liên Hợp Quốc cho biết. “Một cộng đồng 400.000 người đã bị di dời, bị bắt hoặc bị giết“. Ước tính có khoảng 3.200 người vẫn đang bị ISIS bắt giữ tại Syria.
Winfried Kretschmann, thống đốc bang miền Tây thịnh vượng của Baden Wuerttemberg (Đức) cho biết: “Đó là một tội ác mà tôi chưa bao giờ từng thấy trong cuộc đời mình“.
“Tôi đã từng bị chấn thương, từng làm việc với bệnh nhân từ Rwanda, Bosnia, nhưng chuyện này hoàn toàn khác. Nếu có một bé gái 8 tuổi trước mặt bạn và cô ấy nói rằng cô đã bị ISIS bán 8 lần và hãm hiếp 100 lần trong 10 tháng, làm sao mà con người có thể ác đến vậy?“, ông nói.
Cuối cùng, ông đã giúp đỡ được hơn 1.100 phụ nữ và trẻ em trong độ tuổi từ 4 – 56.
Giờ đây, khoảng một nửa số nạn nhân ở Đức cần sự giúp đỡ chỉ để ổn định tinh thần, bằng cách hướng dẫn họ những việc cơ bản như đi mua sắm, đến bác sĩ, còn đối với trẻ em là đi học.
“Theo quan điểm hệ tư tưởng Nhà nước Hồi giáo, những người này không phải là con người“, Kizilhan nói. “Chúng ta đã từng trải việc này trong chế độ phát xít ở Đức, họ đã làm điều tương tự với những người Do Thái“.
Yasmin 16 tuổi khi cô và em gái bị tách khỏi gia đình khi họ chạy trốn vào vùng núi, và trải qua 7 ngày trong sự giam cầm của ISIS. Đàn ông bị giết, còn phụ nữ và trẻ em bị bắt, cô nói. Sau khi trốn thoát, cô vẫn còn khiếp sợ và luôn khóc.
“Tôi không thể chịu đựng được nữa“, cô nói. “Và đó là những gì đã xảy ra với tôi“.
“Việc kể ra những câu chuyện của chúng tôi là rất quan trọng bởi vì thế giới nên biết những gì đã xảy ra với chúng tôi, để nó không xảy ra thêm lần nữa“, cô nói.
Yasmin luôn mặc quần áo rộng để bảo vệ làn da yếu ớt của mình. Có một cái máy bên cạnh giường giúp cô có thể thở vì mũi và đường hô hấp của cô đều bị tổn thương. Thiếu nữ này hy vọng có thể đến trường, cải thiện tiếng Đức, học tiếng Anh và tìm được 1 công việc liên quan đến máy tính. Tuy nhiên, cô vẫn sợ ISIS, đặc biệt là sau 2 vụ tấn công gần đây ở Đức mà nhóm này đã nhận trách nhiệm.
Hồng Liên, theo India Times