Tinh Hoa

Thiếu điện, VN hướng tới năng lượng tái tạo

Trong tình hình “thấp thỏm” lo sợ thiếu hụt nguồn điện trong những năm tới, bên cạnh phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đang hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời. Thực trạng và tương lai phát triển tại Việt Nam, công nghệ và bài học kinh nghiệm thế giới sẽ là những nội dung trọng tâm của Enerexpo 2012 diễn ra từ 21 – 23/3/2012 ở Hà nội.||

Trong tình hình “thấp thỏm” lo sợ thiếu hụt nguồn điện trong những năm tới, bên cạnh phát triển điện hạt nhân, Việt Nam đang hướng tới các nguồn năng lượng tái tạo, chủ yếu là gió và mặt trời. Thực trạng và tương lai phát triển tại Việt Nam, công nghệ và bài học kinh nghiệm thế giới sẽ là những nội dung trọng tâm của Enerexpo 2012 diễn ra từ 21 – 23/3/2012 ở Hà nội.
/ /

Đây là lần thứ 2 Việt Nam phối hợp tổ chức Enerexpo – Triển lãm quốc tế về các giải pháp năng lượng tái tạo và phân tán. Triển lãm diễn ra trong bối cảnh Việt Nam liên tục thiếu điện nghiêm trọng, trong khi nguồn năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt, dẫn đến nhu cầu cấp thiết phát triển nguồn năng lượng “xanh” thay thế.

Enerexpo hội tụ các chuyên gia trong nước và quốc tế thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo. Triển lãm dự kiến có khoảng 200 gian hàng, tập trung vào các lĩnh vực như: Thủy điện; Năng lượng sinh học; Năng lượng địa nhiệt; Chuyển hóa và Truyền tải năng lượng; Phân phối năng lượng và Cung cấp năng lượng phân tán; đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Năng lượng gió là một trong những nguồn năng lượng tái tạo quan trọng

Song song với triển lãm là các chương trình hội nghị diễn ra liên tiếp trong 3 ngày. Tại các sự kiện này, Việt Nam tổng kết thành tựu đạt được như trang trại gió, nhà máy nhiệt điện trấu đầu tiên, pin năng lượng mặt trời…, vạch rõ các thách thức và kế hoạch phát triển liên quan đến năng lượng tái tạo giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn 2030.

Đồng thời, Việt Nam sẽ có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo từ thế giới, đặc biệt là Đức, quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này. Trong Ngày Năng lượng tái tạo Đức, các chuyên gia sẽ trao đổi về kinh nghiệm ứng dụng công nghệ gió và mặt trời của nước này, cũng như cơ hội phát triển chúng tại Việt Nam.

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có khả năng tiềm tàng cho năng lượng tái tạo. Về bức xạ mặt trời, Việt Nam có đến 2.000 đến 2.500 giờ nắng/năm, với lượng bức xạ mặt trời 150 Cal/cm2/ năm.Về gió, khu vực miền Trung, hải đảo có tốc độ gió trung bình 4m/s ở độ cao 12m có thể lắp đặt các tuabin gió. Về điện địa nhiệt có hơn 300 nguồn nước khoáng nóng ở Tây Bắc và Trung bộ.

Theo bà Lê Thị Khánh Vân Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH và CN Quốc gia, VN phấn đấu đến năm 2015, năng lượng tái tạo chiếm 3% tổng công suất điện thương mại và đạt 5% vào năm 2020.

Tuy nhiên, vấn để then chốt là có công nghệ tái tạo tiên tiến, chi phí hợp lý, có chính sách hỗ trợ thích hợp, khuyến khích các nhà đầu tư trong việc cải tiến công nghệ để giảm dần chi phí sản xuất năng lượng tái tạo, tiến tới có thể cạnh tranh về giá so với năng lượng truyền thống.

Hải Tâm