Mảnh thiên thạch niên đại 4,5 tỷ năm được tìm thấy ở sa mạc Sahara mở ra cho nhân loại cái nhìn khác về sao Hỏa cổ đại, ướt át và ấm áp khác xa hành tinh Đỏ ngày nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, giới khoa học công nhận mảnh thiên thạch sao Hỏa, do bộ lạc Bedouin tìm thấy trong lòng sa mạc Sahara, là viên đá lâu đời nhất xuất xứ từ hành tinh Đỏ trên địa cầu. Nó cung cấp manh mối về những loại vật chất dễ bay hơi trong thành phần cấu tạo của sao Hỏa, chẳng hạn như nước.
Thiên thạch mang tên NWA 7533 rơi xuống sa mạc Sahara, khu vực nằm ở tây bắc châu Phi. Nó là một phần của thiên thể lớn hơn, vỡ vụn trong quá trình ma sát với bầu khí quyển trái đất. Nó có ít nhất 5 “chị em song sinh”. Các nhà nghiên cứu đang sử quang phổ kế để xác định xác định thành phần cấu tạo của thiên thạch sao Hỏa lâu đời nhất “lạc đường” xuống địa cầu. Theo kết quả phân tích, thiên thạch chứa nồng độ cao các kim loại vi lượng như Iridium, chứng tỏ nó có nguồn gốc từ các cao nguyên phía nam Hỏa tinh. Tuổi thọ 4,4 tỷ năm cho thấy, NWA 7533 bị hất văng khỏi bề mặt khi sao Hỏa mới hình thành khoảng 100 triệu năm. Ở giai đoạn này, các hành tinh thường xuyên bị thiên thạch bắn phá, khiến những mảnh vật chất văng khắp hệ mặt trời. Không chỉ là viên đá lâu đời nhất, NWA 7533 còn chứa lượng nước lớn gấp 10 – 30 lần so với bất kể thiên thạch sao Hỏa nào được phát hiện ở địa cầu. Điều này cho thấy, sao Hỏa từng là một hành tinh dồi dào nước.
Trên thực tế, NWA 7533 bị hất văng khỏi bề mặt sao Hỏa đúng thời điểm các hoạt động địa chất diễn ra mạnh mẽ trên bề mặt người láng giềng trái đất. Theo giáo sư Munir Humayun của đại học bang Florida, trưởng nhóm nghiên cứu, quá trình núi lửa hoạt động giải phóng nước, CO2 và nitơ mắc kẹt bên dưới bề mặt. Nó tạo ra một màn hơi nước dày đặc trên bề mặt hành tinh, thậm chí là một đại dương. “Nói cách khác, chúng ta đang đề cập đến một môi trường có thể sống được trên bề mặt sao hỏa thời điểm bấy giờ. Nếu sự sống có từng tồn tại trên bề mặt sao Hỏa, có lẽ nó bắt nguồn từ chính thời điểm này”, giáo sư Humayun khẳng định. “Nếu tôi tìm kiếm sự sống trên hành tinh Đỏ, các cao nguyên phía nam sẽ là nơi đầu tiên tôi xem xét bởi những dữ liệu mà mảnh thiên thạch này cung cấp”, giáo sư Carl Agee của đại học New Mexico, thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ. Hồng Duy Theo Tri Thức |
Theo Zing