Thoạt nhìn, ai cũng sẽ nhầm lẫn người đàn ông này là một gã vô gia cư nào đó, với mái tóc bù xù, và quần áo xộc xệch. Nhưng thật ra, ông chính là Grigori Perelman, người được mệnh danh là thiên tài toán học, khi trở thành người duy nhất giải được bài toán hóc búa Poincare trong 1 thế kỷ qua.
Hai nhà báo Marc Nexon và Katia Swarovskaya của tờ Le Point (Pháp) từng tổ chức một chuyến đi dài ngày tới nước Nga, tìm người đàn ông được mệnh danh là thiên tài toán học Grigori Perelman.
Khác với những gì người ta có thể tưởng tượng, Perelman sống trong một căn hộ 3 phòng ngủ 65m², tại một tòa chung cư đã cũ, và thậm chí còn không có thang máy. Ông từ chối mọi lời phỏng vấn của phóng viên, cũng như mọi giải thưởng danh giá, và danh tiếng mà mọi người muốn ông nhận.
Mỗi khi có phóng viên tìm đến, ông chỉ trả lời ngắn gọn: “Tôi không trả lời phỏng vấn”. Và khi phóng viên cố nán lại để được trò chuyện với ông lâu hơn: “Nhưng anh vẫn mạnh khỏe chứ?”. Ông trả lời: “Vẫn khỏe, cám ơn và xin chào”. Sau đó, ông vội đóng nhanh cánh cửa lại trước khi phóng viên có cơ hội hỏi thêm câu nào khác nữa.
Đam mê với toán học từ khi còn nhỏ
Grigori Perelman, tên khai sinh đầy đủ là Grigori Yakovlevich Perelman, sinh vào 13/6/1966 tại Leningrad (nay là Saint Petersburg, Nga) trong một gia đình gốc Do Thái. Vào thời điểm mà Liên bang Xô Viết còn chưa sụp đổ, mẹ ông, bà Ludmila là giáo viên dạy toán cho một trường trung cấp kỹ thuật, còn cha là một kỹ sư điện.
Năm 11 tuổi, Perelman đã tỏ ra vượt trội hơn những bạn đồng trang lứa về khả năng lý giải các môn khoa học, và chơi đàn violon. Ông ham học, và yêu thích việc học hơn bất cứ thứ gì trên đời. Có lần Perelman bị sốt cao 39,5 độ C, nhưng sau đó, ông đã lén đem cặp nhiệt kế nhúng vào nước đá để tiếp tục được đến trường.
Năm 14 tuổi, Perelman vào học ở trường số 239 Leningrad (nay là Saint- Pétersbourg), lớp chuyên toán.
Đến năm 1982, khi Perelman 16 tuổi, ông tiếp tục lọt vào danh sách 1 trong 6 thành viên thuộc đội tuyển Liên Xô tham dự cuộc thi Olympic toán quốc tế (IMO) lần thứ 23, tổ chức tại Budapest (Hungary), và giành được huy chương vàng với điểm số tuyệt đối 42/42.
Tuy nhiên, mặc dù thông minh nhưng Perelman được nhiều người nhận xét là có tính cách khá lập dị. Ông hầu như không tha thiết bất cứ thứ gì ngoài việc học tập và nghiên cứu, những gì người khác muốn ông đều không muốn, thậm chí cũng không hề bận tâm đến.
Ví dụ chuyện ăn mặc, có khi người ta thấy ông cài lệch mất một khuy áo, khi lại quên buộc dây giày, và không đi tất vào mùa đông.
Có lúc ông đột nhiên để móng tay rất dài, tận 5cm, và khi có ai hỏi thì ông trả lời: “Giống như việc người ta vẫn để những củ hành mọc ở ban công đó thôi”.
Evgueni Abakoumov, một người bạn từng đi trại hè với Perelman cho biết: “Đừng mất công rủ cậu ấy đi uống bia , bởi tâm trí cậu ấy luôn vẩn vơ ở một nơi nào đó rất xa”. “Thế đối với các cô gái thì sao?”, Evgueni trả lời: “Cậu ấy cũng không quan tâm”.
Perelman sau đó được đặc cách vào học ở trường đại học tổng hợp quốc gia Leningrad (LGU), và nhận được học bổng toàn phần mang tên ‘Lênin’ để chuyển lên làm nghiên cứu sinh.
Năm 1991, Perelman được trao giải thưởng của hội Toán học trẻ Leningrad về những đóng góp trong lĩnh vực nghiên cứu chuyên môn, và cũng là giải thưởng duy nhất trong đời mà ông nhận.
Năm 1996, Perelman tiếp tục được trao giải thưởng của hiệp hội Toán học châu Âu (EMS) cho các nhà toán học trẻ. Một giải thưởng mà nhiều người ao ước, vì sẽ bảo đảm cho người lĩnh giải được nhận vào làm tại các trường đại học danh giá nhất ở Mỹ và các nước châu Âu. Nhưng Grigori Perelman đã không chần chừ mà nhất quyết từ chối.
Ông tốt nghiệp bằng phó tiến sĩ khoa Toán cơ của LGU, chuyên về lĩnh vực nghiên cứu hình dáng các vật thể trong không gian, và được nhận về công tác cho Phân nhánh Leningrad thuộc viện Toán học cao cấp Steklov (LOMI, hiện là PDMI) lừng danh.
Người đầu tiên giải được giả thuyết Poincaré trong suốt 1 thế kỷ
Trong các lĩnh vực, ông say mê nhất là với hình học. Ở tuổi 26, Perelman từng bay sang Mỹ, dành 3 năm để đọc một loạt bài giảng tại các trường đại học hàng đầu. Và từ đó giả thuyết Poincaré cũng bắt đầu ám ảnh tâm trí Perelman.
(Giả thuyết Poincare là công thức hình thể của vũ trụ, được nhà toán học người Pháp Jules Henri Poincare nêu ra vào năm 1904, là một trong những mệnh đề toán học hóc búa nhất suốt 1 thế kỷ qua chưa có lời giải đáp).
Ông luôn tự giam mình trong nhà, và đắm chìm trong thế giới của mình, nghiên cứu và tìm tòi để giải quyết bài toán hóc búa ấy.
Vào tháng 11/2002, ông đã bất ngờ công bố nghiên cứu dài 59 trang về giả thuyết Poincaré của mình lên mạng xã hội, không thông quá bất cứ tạp chí danh tiếng nào. Dường như, ông không hề quan tâm đến việc đặt bài nghiên cứu mình ở đâu, mà chỉ để thỏa mãn câu trả lời ấy cho riêng mình. Thời điểm ấy, công bố của ông đã trở thành một cú sốc lớn trên toàn thế giới.
“Chúng tôi đã phải cần tới 6 tháng nghiền ngẫm để có thể hiểu được những lập luận trong phần đầu của bài nghiên cứu này”. Gérard Besson, thành viên trong nhóm nghiên cứu, được giao nhiệm vụ đọc và giải mã các kết quả của Perelman.
Tuy nhiên, việc trở nên quá nổi tiếng, khiến ông không hề thoải mái, mà còn tỏ ra khó chịu và kỳ lạ khi nhiều người có thái độ đố kỵ với mình.
“Anh ấy là như vậy. Perelman luôn nghĩ rằng các nhà toán học phải là một cái gì đó rất thuần khiết và trong sáng”. Serguei Roukchine, giáo viên cũ của Perelman, người điều hành một trong các câu lạc bộ toán học nổi tiếng nhất của Saint – Pétersbourg lý giải.
Cũng từ đó, ông càng sống khép mình hơn, không cần đến bất kỳ người bạn nào. “Khi các thành viên của viện ngồi quanh bàn trò chuyện, uống nước chè và ăn bánh ngọt thì Perelman vẫn luôn nán lại ở góc phòng, trước màn hình máy vi tính”.
Từ chối tất cả để quy ẩn
Năm 2005, Perelman bất ngờ nộp đơn từ nhiệm cho Viện Steklov và tuyên bố rút khỏi cộng đồng toán học. Ông cũng yêu cầu hủy hết những thư từ liên lạc có liên quan đến mình.
“Tôi không có bạn và tôi cũng đã tỉnh mộng”, Perelman tuyên bố với viện trưởng Serguei Kisliakov.
Khi Kisliakov ngỏ lời mời Perelman quay trở lại viện bất cứ lúc nào anh muốn, ông đã cám ơn và nói rằng điều đó sẽ không bao giờ xảy ra.
Không màng đến danh tiếng, hay tiền bạc, những giải thưởng như nỗi ám ảnh đối với ông. Perelman liên tục phải từ chối chúng.
Năm 2006, Liên minh Toán học Quốc tế (IMU) với trụ sở tại Berlin (Đức) quyết định trao huy chương Fields, phần thưởng cao quý vốn được mệnh danh là “giải Nobel Toán học” cho Perelman, nhưng ông thẳng thừng từ chối, mặc cho ban tổ chức có thuyết phục thế nào.
Năm 2007, tạp chí học thuật hàng đầu Sience đã tôn vinh danh hiệu Breakthrough of the Year (Khám phá của năm) cho Perelman. Đây là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ tồn tại của mình, tạp chí Sience mới phong danh hiệu này cho lĩnh vực toán học.
Đầu năm 2010, Viện Toán học Clay (CMI), một tổ chức phi lợi nhuận lừng danh có trụ sở ở thành phố Cambridge (Massachusetts, Mỹ), ra quyết định trao giải thưởng Thiên niên kỷ cho ông, vì đã chứng minh được Giả thuyết Poincar kèm phần thưởng là 1 triệu USD.
Biết tích cách của ông, nên họ thậm chí còn đến tận nhà để trao giải, nhưng cũng như mọi giải thưởng kia, ông đều không nhận, cũng không quan tâm đến.
“Sau khi cân nhắc kỹ giữa việc nhận hay không nhận giải thưởng, tôi tuyên bố từ chối giải thưởng mà Quỹ Clay dự định trao cho tôi”, Perelman cho hay.
Trong những lần hiếm hoi chia sẻ suy nghĩ của mình, ông khẳng định rằng: “Tôi không hứng thú với tiền bạc hay danh vọng. Tôi không muốn bị trưng bày như động vật trong sở thú. Tôi không phải là một anh hùng toán học. Đó là lý do tại sao tôi không muốn mọi người nhìn mình”.
Năm 2011, Grigori Perelman lại một lần nữa, mất công phải từ chối trở thành viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Nga. Tuy đây chỉ là danh hiệu trong nước nhưng xét về giá trị vật chất thì nó còn lớn hơn tất cả những giải thưởng mà ông từng từ chối trước kia.
“Anh ấy có một đòi hỏi rất cao về đạo đức và từ chối tất cả các dạng thương mại hóa những nghiên cứu khoa học”, Serguei Roukchine lý giải.
Thậm chí, trong thời gian ở ẩn, vẫn còn rất nhiều các trường đại học như Princeton, Berkeley, MIT… những trường hàng đầu của Mỹ thường xuyên gửi lời mời tới Perelman, mong mỏi ông cùng cộng tác và định cư vĩnh viễn ở Mỹ. Nhưng Grigori Perelman kiên quyết từ chối tất cả.
Không ai rõ hiện tại ông sống bằng cái gì, bởi gia đình ông chẳng có nguồn thu nhập nào khác ngoài tiền lương hưu của mẹ và khoảng tiền nhỏ mà Léna, cô em gái, hiện sống ở Thụy Điển thỉnh thoảng gửi về.
Thậm chí ông cũng rất ít khi đi ra ngoài, và thường chỉ đi ra để mua sắm một cái gì đó. Hàng xóm xung quanh khu chung cư cũng không ai biết nhiều về ông, vì họ thường chỉ trả lời nhau trong một vài câu xã giao nho nhỏ. Thi thoảng cánh nhà báo vẫn tìm đến ông, nhưng đều bị ông từ chối.
Lý giải về việc không muốn nổi tiếng của mình, ông trả lời rằng: “Tôi đã có tất cả những gì mình muốn, nên không quan tâm đến tiền bạc hay danh vọng!”.
“Perelman đã mơ ước chinh phục được đỉnh Everest trong toán và cậu ấy đã làm được điều đó. Giờ đây cậu ấy cảm thấy trống rỗng và muốn rằng mọi người để cậu ấy được yên”, Valery Ryzhik, cựu giáo viên môn toán của Perelman chia sẻ.
Chúc Di (t/h)