Mặc dù nhà tù Rikers Island nằm trong danh sách những nhà tù tồi tệ nhất nước Mỹ, nhưng bạn có biết nơi đây có một khu vườn đã làm thay đổi nhiều tù nhân. Thế mới thấy sức mạnh của thiên nhiên thật kỳ diệu!
Vườn luôn là biểu tượng chia sẻ nhiều điều cho nhân loại, từ hình ảnh ẩn dụ đầy cảm hứng về sự héo rũ của những cái cây hay bông hoa hồi sinh nhờ sức sống bền bỉ, điều này làm cho chúng ta cảm thấy thoải mái. Những biến đổi tính cách sẽ diễn ra một cách tự nhiên và tích cực khi người ta có cơ hội trải nghiệm với những khu vườn.
Nhiếp ảnh Lucas Foglia của tờ New York Times hiểu rằng đó là khả năng đặc biệt của thiên nhiên. Vì vậy, trong cuốn sách Human Nature (hiện được bán trên trang Nazraeli Press) của mình, ông chia sẻ khám phá của mình về mối quan hệ phức tạp giữa con người và thế giới tự nhiên, đó chính là một khía cạnh của cuộc sống hiện đại đang ngày càng bị đe dọa trước sự phát triển của công nghệ, sự phổ biến của cách sống thích ở nhà và thậm chí là cả chính phủ Mỹ.
Dưới đây là những chia sẻ của Lucas Foglia về khu vườn tại nhà tù Rikers Island. Nó bao gồm cả kinh nghiệm của nhiếp ảnh gia này khi ông cố gắng ghi lại bằng ống kính nghịch lý giữa nhà tù và cảm giác tự do được truyền cảm hứng từ thế giới tự nhiên.
Rikers Island là khu giam giữ phức hợp chính của thành phố New York. Ở đây có ba khu vườn hữu cơ do Hiệp hội Làm vườn New York điều hành. Các tù nhân ở đây thường thích trồng hoa, trái cây và rau trong khi tại các tòa nhà gần đó xảy ra sự rối loạn, bạo lực và biệt giam.
Lucas cho biết, khi ông đến thăm những khu vườn, một con gà Guinea đã bay qua hàng rào dây thép gai và những con gà con nở ra. Các tù nhân đang cố dụ những con gà con quay vào bên trong hàng rào để cho chúng an toàn.
Lúc đó, nhiếp ảnh gia này đã ghi lại được khoảnh khắc một tù nhân tên Troy bế một con gà con trên tay. Bóng hàng rào dây thép phủ lên toàn cơ thể anh ta. Nó trái ngược với sự mong manh của con gà con và sự gần gũi toát ra từ cử chỉ của Troy. Và Lucas đã rất ngạc nhiên trước điều này.
Hình ảnh đó rất cảm động. Ông Lucas nghĩ rằng khu vườn sẽ tạo nên những ảnh hưởng tích cực với tù nhân không chỉ vì riêng hình ảnh trên, mà còn vì các tù nhân dành thời gian làm vườn có tỉ lệ ngồi tù trở lại ít hơn 40 %. Một tù nhân tên là Peter nói: “Nếu chúng tôi có thể ở lại đây cả ngày sẽ thật tuyệt vời… Đó là nơi duy nhất chúng tôi cảm thấy mình giống như con người”.
Ông Lucas cho biết, các khu vườn ở Rikers Island được quản lý bởi Hilda Krus, Giám đốc Chương trình GreenHouse và Liệu pháp Làm vườn thuộc Hội Nghề làm vườn New York. Theo ông, Hilda là người vĩ đại và tuyệt vời.
Nhưng đồng thời nhiếp ảnh gia này còn chứng kiến những thứ thường thấy trong các nhà tù. Đó là hình ảnh các tù nhân trải qua sự cô lập, hạn chế hoạt động, bạo lực, hoặc sự cô đơn.
Trong khi thứ ông đang tìm kiếm là những khoảnh khắc cảm xúc phức tạp, đáng ngạc nhiên, tích cực và thân mật. Lucas nghĩ rằng điều đó cực kỳ quan trọng để cho thấy sự bất công, và ông nghĩ điều quan trọng là phải tìm kiếm được các ví dụ tích cực điển hình cho con đường tương lai phía trước.
Lucas chia sẻ, mong muốn của ông là tạo ra những bức ảnh thu hút người xem, khiến họ phải tò mò và muốn tìm hiểu thêm về nó.
Điển hình như bức ảnh Lauren cầm vòi phun nước vào Vanessa vừa thân mật nhưng cũng vừa bạo lực, vừa vui tươi nhưng cũng vừa nghiêm túc. Đó là một ví dụ về thứ mà ông đang tìm kiếm.
Hoặc bức ảnh Jonathan cầm kéo cắt tỉa, nằm thoải mái trên một chiếc ghế dài trong vườn. Ánh mắt của anh ấy thư thái và kiên định. Lúc này chiếc kéo cắt tỉa trong tay anh ta trông mơ hồ tựa như một khẩu súng.
Bàn về giá trị mà những khu vườn nhà tù mang đến cho xã hội, Lucas nghĩ nếu chúng ta đối xử với tù nhân như những người bình thường, thì có nhiều khả năng họ sẽ cư xử theo các quy phạm đạo đức.
Khoảng thời gian tiếp xúc với tự nhiên có thể dạy cho các tù nhân biết rằng sự tăng trưởng theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng đều đến từ việc chăm sóc.
Những hình ảnh trên và nhiều hơn thế nữa đã được trưng bày trong cuộc triển lãm mới của nhiếp ảnh gia Lucas tại Aperture Gallery ở thành phố New York, diễn ra từ ngày 7/3/2018.
Uniwriter, theo GC