Nghiên cứu mới công bố về tác dụng tăng cường khả năng tập trung của con người nhờ thiền định thường xuyên
Từ lâu, chúng ta đã tin rằng uống một tách cà phê vào mỗi buổi sáng sẽ giúp chúng ta tỉnh táo hơn, nhưng một nghiên cứu mới công bố gần đây cho rằng thiền định một lúc cũng có được tác dụng này.
Trong một nghiên cứu trước, công nghệ chụp ảnh bộ não đã cho thấy rằng các kỹ thuật thiền định có thể xúc tiến những thay đổi quan trọng trong những vùng não liên quan đến khả năng tập trung, nhưng người ta cho rằng để đạt được hiệu quả này thì cần phải rèn luyện rất nhiều.
Tuy nhiên, theo một nghiên cứu mới đây, lợi ích này có thể đạt được với ít nỗ lực hơn nhiều. Nó cho rằng đầu óc có thể được huấn luyện để tập trung dễ hơn người ta vẫn tưởng.
Các nhà tâm lý học phát hiện ra rằng những người thiền định 20 phút mỗi ngày trong vòng 4 ngày có biểu hiện cải thiện rõ ràng về khả năng nhận thức và thực hiện các bài kiểm tra về nhận thức tốt hơn đáng kể so với một nhóm kiểm soát.
“Với những kết quả kiểm tra hành vi, điều mà chúng tôi nhìn thấy là những thứ có thể so sánh được với những kết quả mà đã được ghi lại trong tài liệu sau một sự huấn luyện tăng cường hơn nhiều”, Tiến sĩ Fadel Zeidan nói trong một thông cáo báo chí. Zeidan đang là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Trường Y thuộc Đại học Wake Forest, và từng là nghiên cứu sinh tại Đại học North Carolina ở Charlotte, nơi nghiên cứu này được tiến hành.
“Nói một cách đơn giản, những cải thiện sâu sắc mà chúng tôi đã phát hiện ra sau chỉ bốn ngày thiền định thực sự đáng kinh ngạc”, Zeidan ghi nhận: “Nó thể hiện rằng đầu óc con người, thực sự có thể dễ dàng thay đổi và dễ bị ảnh hưởng nhiều, đặc biệt là bởi sự thiền định”.
Nghiên cứu này được công bố trong tạp chí Consciousness and Cognition (Ý thức và Nhận biết) số ra ngày 2/4.
Thí nghiệm được thực hiện trên 63 sinh viên tình nguyện. Những người tham gia được chia thành 2 nhóm, một nhóm nhận sự huấn luyện thiền định, trong khi nhóm kia được nghe đọc sách Người Hobbit của J.R.R. Tolkein, trong khoảng thời gian tương đương.
Trước và sau phiên thiền định và đọc sách, những người tham gia đã được kiểm tra hành vi nhằm đánh giá tâm trạng, trí nhớ, khả năng tập trung nhìn, khả năng xử lý chú ý và sự thận trọng.
Cả hai nhóm đã thực hiện gần như ngang nhau trên tất cả các phép đo vào lúc bắt đầu thí nghiệm. Cả hai nhóm cũng đều có sự cải thiện vào lúc cuối của thí nghiệm trên các phép đo về tâm trạng, nhưng chỉ có nhóm nhận được huấn luyện thiền định là cải thiện đáng kể trong các phép đo về nhận thức. Nhóm thiền định đã ghi số điểm 10 lần tốt hơn trong một bài kiểm tra rất thử thách liên quan đến việc duy trì khả năng tập trung trong khi giữ các thông tin khác trong đầu.
“Nhóm thiền định đã thực hiện đặc biệt tốt hơn trên tất cả các kiểm tra về nhận thức có đặt giờ”, Zeidan nói: “Trong những công việc mà những người tham gia phải xử lý thông tin dưới áp lực thời gian gây ra căng thẳng, nhóm đã được thực tập thiền định thực hiện tốt hơn đáng kể”.
“Chắc chắn phải có những nghiên cứu sâu hơn nữa”, ông nhấn mạnh, lưu ý rằng các nghiên cứu chụp ảnh bộ não có thể hữu ích trong việc xác nhận các thay đổi trong bộ não mà các kiểm tra hành vi dường như đã chỉ ra. “Nhưng điều này dường như là chứng cứ mạnh mẽ cho ý tưởng là chúng ta có thể thay đổi đầu óc của bản thân mình để cải thiện việc xử lý nhận thức – điều quan trọng nhất trong khả năng duy trì sự chú ý và sự thận trọng – trong khoảng thời gian một tuần”, ông nói.
Zeidan lưu ý rằng thiền định ngắn chỉ chuẩn bị đầu óc cho hoạt động, nhưng nó không nhất định là cố định. Do đó, để có được hiệu quả lâu dài, thì cần phải thiền định thường xuyên.
Theo Chanhkien