Sáng 5/10, công ty Idemitsu Q8 (IQ8) đã tổ chức lễ khánh thành cửa hàng xăng dầu đầu tiên 100% vốn FDI. Chính thức đặt chân vào thị trường kinh doanh bán lẻ xăng dầu, mang kinh nghiệm và công nghệ từ Nhật Bản và châu Âu đến Việt Nam.
Idemitsu Q8 là liên doanh giữa Công ty dầu khí quốc tế (Kuwait International Petroleum) của Kuwait và Idemitsu Kosan của Nhật Bản. Liên doanh này được thành lập cách đây hơn 1 năm và mỗi bên góp 50% vốn điều lệ. Nắm giữ 35,1% vốn tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn Thanh Hóa, vì vậy Idemitsu Q8 sẽ giúp tiêu thụ xăng dầu được làm ra tại Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi nhà máy này được đưa vào khai thác thương mại cuối năm nay. Theo nhiều chuyên gia trong ngành, dự án lọc hóa dầu này sẽ tập trung sản xuất ra nhiều sản phẩm hóa dầu có giá trị kinh tế cao.
Idemitsu Kosan là doanh nghiệp lớn thứ 2 trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil), có lịch sử hoạt động tại Việt Nam hơn 20 năm, công ty cũng là một trong những nhà đầu tư chính vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn với hơn 160 chuyên gia được điều động tham gia vào dự án này.
Trong khi đó, Kuwait Petroleum International Ltd có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu và là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait. Tập đoàn này sở hữu thương hiệu xăng dầu Q8 với lượng tiêu thụ tương đương hơn 450.000 thùng mỗi ngày trên toàn thế giới.
Đại diện Idemitsu cho hay công ty đã nhận được chứng nhận đăng ký đầu tư của Chính phủ cho hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ và bán buôn sản phẩm dầu khí tại thị trường Việt Nam, chủ yếu thông qua việc xây dựng và quản lý các trạm dịch vụ trên toàn quốc.
Ông Hiroaki Honjo, Tổng Giám đốc công ty xăng dầu IQ8 cho biết, IQ8 sẽ áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động thanh toán thẻ POS tại trạm xăng dầu, cho phép thanh toán bằng thẻ ATM với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng.
Hơn nữa, hệ thống quản lý số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít và cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng.
Bên cạnh đó, trạm xăng dầu còn được thiết kế hiện đại và lắp đặt những thiết bị tốt nhất đến từ Nhật Bản. Trạm xăng cũng cung cấp dịch vụ chuẩn Nhật qua đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.
Ông Ghanim Al Otaibi, Chủ tịch công ty TNHH xăng dầu IQ8, Phó Chủ tịch phụ trách khu vực châu Á của công ty TNHH dầu khí Kuwait cho biết, trạm xăng đầu tiên của IQ8 tại Hà Nội mới chỉ là nấc thang đầu tiên trong cả quá trình phát triển và mở rộng hơn nữa trên toàn Việt Nam. Trong thời gian tới, IQ8 sẽ góp phần tạo nên một nền tảng đặc biệt về dịch vụ khách hàng trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Giám đốc quản lý các khu công nghiệp Hà Nội cũng cho rằng đây là sự kiện lớn có ý nghĩa trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu.
“Lần đầu tiên có một đại diện của 2 nhà đầu tư nước ngoài, 100% vốn nước ngoài tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu của Việt Nam. Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư tham gia vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn”, ông Quang nhận định.
Bên cạnh đó, ông Quang cũng nói rằng việc khai thác trạm bán lẻ xăng dầu IQ8 sẽ tạo ra những thay đổi đột phá, cụ thể là chất lượng dịch vụ, công nghệ quản lý, gia tăng tiện ích cho khách hàng cũng như công tác bảo vệ môi trường như ông Ghanim Al Otaibi vừa nêu.
Tại buổi lễ, ông Kiyoshi Homma, Giám đốc công ty TNHH Idemitsu Kosan, Tổng Giám đốc bộ phận xăng dầu ở nước ngoài chia sẻ rằng: “Chúng tôi thực sự tìm hiểu, nghiên cứu, khảo sát và khai thác dầu ở Việt Nam từ những năm 1990. Thời gian gần đây, chúng tôi mới tham gia vào dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như kinh doanh các mặt hàng xăng dầu trên toàn Việt Nam”.
Ông nói việc IQ8 bắt đầu tiếp cận thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam qua trạm xăng đầu tiên tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội (nơi có nhiều cơ sở của các công ty Nhật Bản) chính là cam kết gắn bó mạnh mẽ của công ty với thị trường Việt Nam thông qua mọi hoạt động từ khai thác đến bán lẻ.
“Trong tương lai, chúng tôi sẽ mở rộng kinh doanh từ miền Bắc đến miền Nam Việt Nam và thậm chí là ngoài Việt Nam”, ông Kiyoshi Homma nói.
Bán lẻ xăng dầu sẽ thay đổi?
Hiện nay ba công ty xăng dầu là Petrolimex, PV Oil và Saigon Petro đang thống lĩnh khoảng 75% thị phần xăng dầu trên cả nước. Điều này có nghĩa thị trường xăng dầu hiện vẫn là “mảnh đất riêng” của các công ty Việt.
TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, từng phát biểu với Pháp Luật TPHCM: “Điều này sẽ nâng cao tính cạnh tranh thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi, đồng thời tạo tiền đề mở rộng thị trường bán lẻ xăng dầu, hướng tới một thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự”.
Chuyên gia này cũng cho rằng đây là một sự khởi đầu về việc xâm nhập của các công ty nước ngoài vào thị trường Việt Nam và đó là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Khi có sự cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thì người mua xăng sẽ có lợi, thị trường sẽ phát triển.
Cùng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, cũng nhìn nhận việc các công ty xăng dầu ngoại tham gia vào khâu bán lẻ sẽ tạo ra sức cạnh tranh mạnh mẽ.
Ông Doanh cũng cho rằng theo cam kết hội nhập, Việt Nam dần dần sẽ mở cửa thị trường trong nước, trong đó có xăng dầu. Khi các đại gia ngoại tham gia vào khâu phân phối bán lẻ xăng dầu sẽ làm giảm vị trí thống lĩnh của DN trong nước và nâng cao sức cạnh tranh. Bên cạnh đó các DN ngoại có thể sẽ góp phần làm cho việc điều hành xăng dầu phải công khai, minh bạch và công bằng hơn.
Vẫn còn rào cản
Tuy đánh giá tích cực việc có ông lớn nước ngoài tham gia vào thị trường xăng dầu Việt, nhiều ý kiến lo ngại xăng dầu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nên việc cấp phép lập cây xăng còn nhiều bất cập.
Đại diện một công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối nhìn nhận, việc ‘đại gia’ nước ngoài tham gia trực tiếp vào thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam không phải dễ dàng. Muốn tham gia thị trường này thì cũng phải đáp ứng nhiều điều khoản của Nghị định 83/2014 như có hệ thống phân phối, trạm chứa xăng dầu, hệ thống đại lý… đáp ứng được những điều kiện này là không đơn giản.
“Thực tế nhiều công ty nội địa muốn mở rộng hệ thống kinh doanh bán lẻ nhưng vẫn không thực hiện được vì phải đáp ứng nhiều điều kiện khắt khe. Trong đó địa điểm đặt cây xăng và thủ tục cấp phép cho cây xăng hoạt động là vấn đề vướng mắc lớn đối với DN” – đại diện công ty trên cho biết.
Dù vậy, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho hay Nghị định 83 không quy định ngoại lệ nào với các thương nhân nước ngoài hay trong nước, miễn là thương nhân đó được cấp có thẩm quyền cấp phép bán lẻ xăng dầu.
“Cái khó của các DN ngoại là tìm địa điểm đặt cây xăng bởi các địa điểm thuận tiện hiện nay đã được các DN nội chiếm lĩnh” – ông Long nói.
Thị trường bán lẻ xăng dầu hiện nay được đánh giá là chưa có tính cạnh tranh, khi thị phần chủ yếu nằm trong tay các ông lớn như Petrolimex, PV Oil, Saigon Petro, khiến người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn khi muốn đổ xăng. Vì vậy, sự xuất hiện của doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài, lại đến từ quốc gia được người Việt ưa chuộng là Nhật Bản được kỳ vọng sẽ làm tăng tính cạnh tranh của thị trường.