Với sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra một khẩu hiệu mới “Tiêu chuẩn mới”. Người dân có nhiều sự nhận thức khác nhau về ý nghĩa khẩu hiệu đó.
Theo tôi, “Tiêu chuẩn mới” là: Đầu tiên, chính phủ không còn thiết lập một mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao; thứ hai, chính phủ không còn sử dụng chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng để duy trì các mục tiêu tăng trưởng nhất định; thứ ba, lợi nhuận tăng thêm được thực hiện thông qua cải cách.
Tôi nghĩ rằng ba điểm trên là chính xác. Vấn đề chủ yếu phát sinh từ sự ảnh hưởng của tư duy cũ đến “tiêu chuẩn mới” khi số liệu kinh tế đang duy trì thấp hơn mức mong đợi. Cách tư duy cũ tập trung vào các ngân hàng nới lỏng cho vay và nhà nước tăng chi tiêu cho việc đầu tư trong và ngoài nước,… Các tập quán cũ hình thành trong hàng chục năm qua đã không thể giải quyết vấn đề của quá khứ và cũng không thể giải quyết các vấn đề ở tương lai.
Thị trường chứng khoán khởi sắc
Nếu việc in tiền không thể duy trì tăng trưởng, thì việc phát hành cố phiếu có thể đảm bảo tăng trưởng chăng? Trung Quốc đang tự cho rằng đất nước hiện trong trạng thái tốt đẹp. Không ai nói chuyện với nhau, vì việc mọi người nghĩ hàng ngày là giá cổ phiếu tăng lên bao nhiêu. Mọi thứ như đang trong một bữa tiệc vui vẻ. Tiếng ồn của bữa tiệc che lấp đi các vấn đề cơ bản. Có lẽ sau khi bong bóng đã vỡ, chúng ta mới có thể nói về sự đổi mới. Còn bây giờ, không một ai có tâm trạng để nói về nó.
Việc phát hành thêm cổ phiếu có đảm bảo tăng trưởng? Đây là câu hỏi cơ bản.
Tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán phải chăng sẽ đi vào các doanh nghiệp? Khi một thị trường chứng khoán bùng nổ, nó có làm hạ thấp chi phí vay? Không ai đặt ra những câu hỏi này và cũng không ai nghĩ về chúng. Chúng ta phải chờ đợi cho đến khi sự cố xảy ra, và sau đó chúng ta lại nói về sự đổi mới quốc gia và doanh nghiệp. Tuy nhiên tiếc rằng điều đó là quá muộn đối với nhiều công ty.
Chi phí vốn
Tôi không phản đối những người đang tham gia các thị trường chứng khoán, nhưng chúng ta cũng cần phải suy nghĩ là làm thế nào để tái cơ cấu doanh nghiệp. Người ta nói rằng sự bùng nổ của thị trường chứng khoán sẽ giảm chi phí tài chính. Chúng ta có học được gì từ châu Âu? Chúng ta đều biết rằng chi phí vốn cổ phần cao hơn nhiều so với chi phí vốn vay.
Hãy để tôi đưa ra ví dụ bằng một nhận định ngớ ngẩn. Nhiều người cho rằng vốn huy động bằng việc phát hành cổ phiếu làm giảm chi phí vốn. Vì nhiều công ty không thể vay vốn ngân hàng, hoặc chỉ có thể vay được các khoản vay với lãi suất rất cao, do đó họ tham gia vào các thị trường chứng khoán. Chúng ta đều biết các nguyên tắc cơ bản của tài chính doanh nghiệp là chi phí vốn cổ phần cao hơn đáng kể chi phí vốn vay nợ. Vì vậy, làm thế nào để các thị trường chứng khoán có thể giảm chi phí tài chính?
Chi phí vốn trên thị trường chứng khoán cao hơn nhiều so với chi phí vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, nhiều công ty có cảm tưởng rằng chi phí của “việc thu hút vốn” ở các thị trường chứng khoán thấp hơn các khoản vay ngân hàng, bởi vì họ vội vàng gia nhập vào thị trường chứng khoán bất chấp sự thiếu hiểu biết về đầu tư. Tại Mỹ, chi phí thu hút vốn từ thị trường chứng khoán cao hơn so với vốn vay 7-8%. Điều này có nghĩa là bạn có thể vay ngân hàng với lãi suất 5-6%, nhưng các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán muốn có lợi nhuận 12-13%, bởi họ phải nhận rủi ro cao hơn. Bởi thế, chúng ta đang sai lầm trong nhận thức cơ bản với một cảm nhận chung chung.
Tạo nên sự giàu có?
Một số người nói với tôi: “Thưa giáo sư, ông nghiên cứu kinh tế học phương Tây, nhưng kinh tế ở Trung Quốc và kinh tế ở phương Tây là không giống nhau”.
Khi chúng ta bàn về khoa học, chúng ta chia khoa học thành phương Đông và phương Tây? Nếu chúng ta đi theo một con đường như vậy, khái niệm về chi phí vốn sẽ hoàn toàn bị đảo lộn. Bạn nghĩ rằng bạn có thể nhận được tiền từ nhà đầu tư khi khả năng hồi vốn bằng không. Ai sẽ phải chịu chi phí trên thị trường chứng khoán? Tất nhiên là các nhà đầu tư. Các công ty đã thu được tiền. Khi cổ phiếu giảm, nhà đầu tư bị thiệt hại nặng. Những người tham gia vào việc tạo ra các bong bóng có thể không nghĩ về điều đó. Tuy nhiên, là một nhà kinh tế, tôi phải xem xét cho đến cuối cùng chúng ta sẽ như thế nào trong tương lai.
Sự giàu có không được sinh ra theo cách này. Trong 200 năm qua, sự giàu có không được tạo ra bởi bong bóng thị trường chứng khoán hoặc khi các ngân hàng trung ương phát hành tiền. Làm thế nào để giàu có? Đó là một câu hỏi mỗi cá nhân, mỗi doanh nghiệp và nhà nước nên tự hỏi mình; đó là câu hỏi cơ bản về kinh tế.
* Đây là bản dịch tóm tắt bài giảng gần đây được đưa ra bởi Giáo sư kinh tế Trung Quốc là ông Hứa Tiểu Niên.
Hứa Tiểu Niên là một giáo sư về kinh tế và tài chính tại trường Kinh doanh quốc tế Trung Quốc-Châu Âu (thuộc Thượng Hải). CEIBS là một học viện phi lợi nhuận bậc giáo dục đại học được thành lập bởi sự hợp tác giữa chính phủ Trung Quốc và EU nhằm giảng dạy các kỹ năng quản lý quốc tế.
Khải Thanh, dịch từ Epoch Times