Một cuộc vật lộn cuối cùng để duy trì sự tồn tại và tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể đang diễn ra trên thị trường chứng khoán quốc gia, khi mà chính quyền Trung Quốc đang cố sức để cứu vớt những hy vọng cuối của nền kinh tế.
Sau sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường trong 12 tháng qua, Trung Quốc đang trong giai đoạn bán tháo cổ phần tồi tệ nhất thế giới trong những năm qua. Một lần nữa, cổ phiếu lại giảm mạnh bắt đầu từ ngày 29/6, thậm chí Bắc Kinh đã triển khai nhiều chương trình mới phức tạp để chống lỗ.
Chỉ số Shanghai Composite (chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc) giảm 5,8 % vào Thứ Sáu (3/7) và giảm 12,1% trong tuần, giảm hơn 32% lúc cao điểm vào ngày 12/6, làm thất thoát hơn 2.500 tỷ USD. Chỉ số Shenzhen Composite giảm 16,2% trong suốt tuần, trong khi chỉ số trên sàn chứng khoán ChiNext giảm 10,8%.
Thật dễ dàng nhìn ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc, và giờ thì nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Đối với xã hội, đây là một thảm kịch.
Với bàn tay kiểm soát của nhà nước trong thị trường tài chính, sự sụp đổ thị trường chứng khoán sẽ là một thất bại gây thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các nhà quản lý thị trường và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã họp vào ngày 4/7 để đưa ra các quy định giải cứu thị trường chứng khoán, bao gồm ngăn chặn tất cả giao dịch IPO và tài trợ không giới hạn cho các công ty tài chính quốc gia, công ty cổ phần chứng khoán Trung Quốc.
Bước vào năm 2015, Bắc Kinh đã phải đối mặt với tăng trưởng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn hai thập kỷ qua. Hoạt động sản xuất đã chậm lại và các lĩnh vực xây dựng bùng nổ xì hơi một lần nữa, khiến hàng triệu lao động nhập cư bị sa thải.
Khuyến khích mua chứng khoán
Chính quyền Trung Quốc nhận ra rằng thị trường chứng khoán đang lên chính là nhân tố quyết định sự sống còn của nền kinh tế nước này. Một thị trường chính khoán ổn định và không ngừng phát triển sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Sự phục hồi của giá cổ phiếu có thể xoa dịu cơn khủng hoảng tài chính của các công ty, theo đó chính quyền địa phương và ngân hàng có thể gia tăng quỹ. Điều này giúp các nhà đầu tư phất lên, cùng lúc trấn an người thất nghiệp, tất cả điều đó đều thúc đẩy sự ổn định xã hội.
Trung Quốc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính của mình. Họ làm điều gì mà họ cho là tốt: Bắc Kinh chỉ thị các phương tiện truyền thông nhà nước thúc đẩy đầu tư. Trong năm 2014, Tân Hoa Xã và Nhân Dân Nhật báo, hai cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, liên tục đưa ra những bình luận để thúc đẩy nhiều người dân mua cổ phiếu hơn. Trong một bài báo đăng ngày 31/8/2014, Tân Hoa Xã nói rằng: “sự phát triển kinh tế và xã hội sẽ mang lại niềm tin quý báu và sự ủng hộ mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán“.
Và người dân Trung Quốc đã thực thi điều đó. Tiền từ thị trường bất động sản đổ dồn vào chứng khoán. Số lượng tài khoản môi giới mở mới trong 4 tháng đầu năm 2015 nhiều hơn cả năm 2012 và 2013 cộng lại. Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải có doanh thu hằng ngày vượt quá hơn 200 tỉ Nhân Dân tệ (tương đương 33 tỷ USD), hay tổng giá trị cổ phiếu niêm yết lần đầu tiên trong 4 năm, vào ngày 28/11/2014. Con số này đã tăng lên tới 1.000 tỷ Nhân dân tệ (161 tỷ USD) vào cuối Tháng 4/2015.
Từ ngày 1/8/2014 đến ngày 12/6/2015, chỉ số Shanghai Composite đã tăng gấp đôi và đạt 136%.
Hầu hết nhà đầu tư mới nổi ở Trung Quốc đều là những khách hàng rất ít kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính. Nhiều người tham gia chỉ vì đó là “mốt”, là trào lưu mà “người người tham gia, nhà nhà tham gia”, còn các phương tiện truyền thông và chính phủ ra sức “lăng xê” mốt này. Trong khi những người khác đánh hơi thấy cơ hội “lãi mẹ đẻ lãi con”, đã dùng sổ tiết kiệm để vay công ty môi giới nhằm mua thêm cổ phiếu.
Sự tăng trưởng nhanh chóng của thị trường chứng khoán không dựa trên những nguyên tắc cơ bản đã biến thị trường cổ phiếu Trung Quốc thành một trong những cổ phiếu được định giá cao nhất trên thế giới.
Các biện pháp liều lĩnh
Tuy nhiên, trong khoảng thời gian suy thoái thị trường chứng khoán hai tuần qua, một số cơ chế mà chính quyền Trung Quốc sử dụng để thúc đẩy thị trường đã không hoạt động.
Vào ngày 27/6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất. Sau khi biện pháp này chẳng phát huy tác dụng, vào ngày 1/7, Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã loại bỏ một số hạn chế giao dịch ký quỹ trước đó dùng để ngăn chặn việc đầu cơ. Sau khi thị trường suy giảm vào ngày 2/7, các nhà quản lý Trung Quốc công bố việc điều tra và truy tố người bán khống.
Những nỗ lực này không thể ngăn chặn thất thoát, những cải biến chỉ cho thấy sự tuyệt vọng
Các quy định ký quỹ mới được thi hành hôm Thứ Tư (1/7) cho phép các nhà đầu tư sử dụng bất động sản làm tài sản thế chấp. Trên thực tế, các nhà đầu tư đang đánh cược mạng sống của họ trên thị trường chứng khoán.
Thông báo điều tra những người bán khống chỉ là trò quảng cáo chủ nghĩa dân tộc, được rao giảng trên các trang mạng xã hội về “lực lượng tư bản thù địch nước ngoài”, ám chỉ những người được hưởng lợi từ việc bán khống (người ta không biết họ có ám chỉ ngân hàng đầu tư Goldman Sachs và nhà tài phiệt George Soros hay không). Trên thực tế, ngoài các nhà đầu tư thuộc tổ chức lớn phải bán khống để giữ vị thế lâu dài của họ, thì rất ít người bán khống vô căn cứ ở Trung Quốc, thực tế này đã được Ủy ban Quản lý Giám sát chứng khoán Trung Quốc xác nhận trên Sina.com vào 30/6.
‘Đó là một vòng luẩn quẩn’
Nguyên nhân gốc rễ của đợt bán tháo là sự bùng nổ trước đó. Các nhà đầu tư đang hoảng sợ – những ai dồn dập vào trường chứng khoán giờ đang bán tháo cổ phiểu của mình. Họ đang bán cổ phiếu để cứu vãng danh mục đầu tư. Theo các nguyên tắc tài chính cơ bản, khi có nhiều người bán hơn người mua trên thị trường chứng khoán, chênh lệch giá mua bán sẽ nới rộng và cuối cùng giá sẽ giảm.
Điều làm trầm trọng thêm tình hình ở Trung Quốc là khoản nợ ký quỹ 2.200 tỷ Nhân Dân tệ (350 tỷ USD). Theo ước tính của Reuters, khoản nợ thực tế vào khoảng 645 tỉ USD bao gồm cả hệ thống cho vay phi ngân hàng. Nợ được thế chấp bởi các tổ chức chứng khoán ngầm, và khi giá cổ phiếu giảm (nguyên nhân làm giảm giá trị của tài sản thế chấp), các nhà đầu tư phải bán cổ phiếu nhiều hơn để đáp ứng các cảnh báo biến động số dư.
“Sự hoảng loạn lan rộng khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải thanh lý do đòn bẩy tài chính. Các thị trường tiếp tục suy giảm, các nhà đầu tư buộc phải tiếp tục thanh lý. Đó là một vòng luẩn quẩn“, Zhou Xu, một nhà phân tích tại Chứng khoán Nam Kinh nói với tờ Wall Street Journal.
Mất độ bám
Thật dễ dàng nhìn ra sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc, và giờ thì nó chỉ còn là vấn đề thời gian. Đối với xã hội, đây là một thảm kịch.
Những thường dân ở Trung Quốc đang trông chờ vào Đảng, Đảng đã hướng dẫn họ bỏ tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán. Và bây giờ họ đang bị lỗ lớn.
Người Trung Quốc theo truyền thống là một dân tộc chăm chỉ, họ tiết kiệm phần lớn thu nhập của mình. Một phần lớn trong hàng triệu nhà đầu tư mới của Trung Quốc là công nhân nhập cư, người về hưu và thất học. Họ đã trông chờ vào ĐCSTQ, hướng dẫn họ bỏ tiền tiết kiệm vào thị trường chứng khoán.
Và bây giờ họ đang lỗ lớn.
Vào ngày 4/7, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, Ngân hàng Trung ương và Ủy ban Quản lý Giám sát Chứng khoán Trung Quốc triệu tập một cuộc họp khẩn cấp và đã quyết định tạm dừng tất cả các chứng khoán chào bán lần đầu tiên ra công chúng. Cá biệt, hơn 21 công ty môi giới nhà nước trong đó có Công ty Chứng khoán Citic thông báo rằng họ sẽ đầu tư 15% tài sản ròng của họ, hay không ít hơn 120 tỷ Nhân dân tệ (19 tỷ USD) cho việc mua bán chứng khoán trực tiếp.
Vào ngày 5/7 Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã tiêm 100 tỷ Nhân dân tệ (16 tỷ USD) vào Công ty tài chính chứng khoán Trung Quốc và công bố hỗ trợ kinh phí không giới hạn, cho phép cơ quan này cung cấp các khoản vay ký quỹ để tài trợ mua thêm cổ phiếu.
Đây là một số lựa chọn trong phương sách cuối cùng, và Bắc Kinh đặt hy vọng nhiều vào hiệu quả của các giải pháp đưa ra. Một lá thứ công khai từ năm Giáo sư tài chính nói về cách chính quyền Trung Quốc đối phó với cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán, đăng trên Tân Hoa Xã ngày 2/7, gọi nỗ lực ổn định của chính phủ vào tuần trước là “không thể giải thích”. Bức thư cũng cảnh báo rằng bất kỳ sự sụp đổ nào của thị trường chứng khoán cũng sẽ tác động thảm khốc lên tầng lớp trung lưu và “Giấc mơ Trung Hoa”, thứ không thể xem nhẹ.
Vốn và tài sản là một trong những thứ ĐCS Trung Quốc nắm chặt để duy trì quyền lực. Và sự sụp đổ thị trường chứng khoán sẽ rất dễ dẫn đến diệt vong.
Sau tất cả, với hơn 90 triệu nhà đầu tư ở Trung Quốc như ngày 30/6, hiện nay có nhiều “tư bản” hơn so với Đảng viên ĐCS Trung Quốc.
Thanh Phong, dịch từ The Epoch Times