Miệng hố sâu thẳm, chứa đầy dung nham nóng chảy, sôi sục không ngăn được bước chân các chuyên gia tới nghiên cứu, khám phá nơi được coi là điểm tiếp giáp giữa trần gian và địa ngục.
Làm việc tại miệng hố sâu chứa đầy dung nham nóng chảy là thử thách mà các chuyên gia buộc phải vượt qua để nghiên cứu miệng núi lửa Marum nằm trên đảo Vanuatu, Nam Thái Bình Dương. Luôn trong tình trạng đang hoạt động kể từ nhiều năm trở lại đây, nhiệt độ nơi nóng nhất tại miệng núi lửa Marum đạt 1.150 độ C, đủ thiêu chết mọi sinh vật cố gắng tiếp cận nơi này. Chính vì lẽ đó, các chuyên gia nghiên cứu địa chất buộc phải trang bị bộ quần áo cách nhiệt đặc biệt, cho phép họ làm việc tại “ranh giới giữa địa ngục và trần gian”. Tuy được trang bị tốt nhưng các chuyên gia vẫn phải hết sức cẩn trọng khi thực hiện việc nghiên cứu bởi sẽ không có cơ hội sống sót nếu rơi xuống miệng núi lửa chứa đầy dung nham sôi sục. Chuyên gia Mackley, người gắn bó nhiều năm với miệng núi lửa Marum cho biết: “Nó trông giống như bề mặt mặt trời. Tiếp cận miệng núi là giấc mơ ngông cuồng nhất của cuộc đời tôi. Và đó cũng là những khoảnh khắc tuyệt vời nhất mà tôi từng chứng kiến và trải qua”. Chia sẻ về quyết định táo bạo của bản thân, ông Mackley nói: “Tôi ấp ủ giấc mơ tiếp cận miệng núi lửa từ suốt 15 qua. Việc nghiên cứu bên trên miệng núi không giúp tạo ra nhiều những đột phá về nghiên cứu địa chất. Con người và thiết bị buộc phải tiếp cận gần hơn với hồ dung nham để kết quả nghiên cứu chính xác hơn. Tôi luôn hiểu rằng, mình có thể nằm dưới đó mãi mãi nếu gặp sự cố trong quá trình nghiên cứu”. Nằm ở độ sâu 400m so với miệng núi, không một phương án thám hiểm hồ dung nham nào được coi là an toàn tuyệt đối. Với hàng loạt các thiết bị bảo hộ hiện đại nhất, tính mạng các chuyên gia nghiên cứu vẫn luôn bị đe dọa sau mỗi lần tiếp cận “ranh giới địa ngục”.
Hồng Duy Theo Infonet |
Theo Zing