Chỉ 15 phút sau khi tiêm 1 liều vắc xin Sinova của Trung Quốc để ngừa Covid-19, anh Lam đột nhiên cảm thấy chóng mặt, tức ngực rồi ngất xỉu, lúc tỉnh dậy tại bệnh viện, một phần khuôn mặt của anh đã bị tê liệt, miệng méo xệch và mắt không thể nhắm lại…
Theo tờ South China Morning Post, vào khoảng 2h30 chiều ngày 31/3, anh Wilson Lam (26 tuổi) đã đến Trung tâm thể thao Tseung Kwan O để tiêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên cho mình. Các bác sĩ sau đó đã tiêm cho anh 1 liều vắc xin Sinova do Trung Quốc sản xuất.
Khoảng 15 phút sau tiêm, anh Lam đột nhiên cảm thấy chóng mặt và ngất xỉu trong khi đang bước ra khỏi trung tâm vào khoảng 3 giờ chiều cùng ngày (31/3). Anh được phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó.
Tỉnh dậy tại bệnh viện, anh Lam bị sốc khi phát hiện ra phần lớn khuôn mặt của mình đã bị liệt. Ngoài những khó khăn trong việc cử động miệng, anh còn không thể kiểm soát mắt trái của mình. Hiện tượng sưng tấy xung quanh mắt lúc đầu đã giảm bớt nhưng anh vẫn chưa thể nhắm được mí mắt. Không những vậy, anh vẫn còn cảm thấy chóng mặt và đau tức ở ngực.
“Tôi không thể nhắm mắt bên trái, trong khi miệng tôi bị lệch sang bên phải, vì vậy tôi chỉ có thể ăn hầu hết mọi thứ bằng răng ở phía bên phải. Tình hình vẫn chưa có dấu hiệu tiến triển cho đến nay”, anh nói với tờ Post vào ngày 2/4.
Được biết, đến nay cơ quan y tế vẫn chưa đưa ra kết luận, liệu trường hợp của anh Lam có liên quan đến vaccine Sinova do Trung Quốc sản xuất hay không, cũng chưa có đại diện nào từ cơ quan chính quyền tiếp cận anh Lam để theo dõi tình hình.
“Tôi cảm thấy lo lắng và sợ hãi. Tôi không có bệnh mãn tính giống như một số trường hợp tử vong khác được báo cáo. Tôi chơi bóng đá, chạy rất nhiều và coi mình là một người khỏe mạnh.
Thật tốt nếu chính phủ có thể cho tôi biết tại sao tôi lại trở thành như thế này. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của tôi, không biết đến khi nào tôi mới có thể phục hồi về trạng thái bình thường.
Nếu được chọn lại, tôi quyết sẽ không tiêm vaccine ngừa Covid-19. Nhưng tôi sẽ không khuyên người khác có nên dùng nó hay không vì đây là lựa chọn của từng cá nhân”, anh Lam nói và cho biết anh sẽ tìm kiếm sự bồi thường từ chính phủ.
Liên quan đến sự việc trên, các chuyên gia giám sát việc tiêm chủng trong thành phố cho biết, họ sẽ theo dõi tình hình tiêm chủng. Nếu số người được tiêm chủng xuất hiện tình trạng giống anh Lam cao hơn tỷ lệ mắc chứng liệt trong dân số không tiêm chủng nói chung, thì các nhà chức trách cùng các nhà sản xuất sẽ được khuyên phải cập nhập thêm vào phần mô tả sản phẩm cảnh báo nguy cơ bị mắc chứng liệt mặt này.
Được biết, anh Lam là người thứ 12 bị liệt mặt sau khi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 (chưa tính người đã tử vong và bị các triệu chứng nguy kịch khác), tính đến ngày 31/3. Trong đó, anh Lam và 10 người khác đã tiêm vắc xin Sinovac do Trung Quốc sản xuất, 1 người còn lại đã uống loại vắc xin khác đang được phân phối ở Hồng Kông, BioNTech do Đức sản xuất.
Trừ anh Lam, những người bị ảnh hưởng khác đều là nam giới, độ tuổi từ 37 đến 86.
Trước đó, cũng tại Hồng Kông, một người đàn ông 63 tuổi và một người phụ nữ 55 tuổi đã tử vong sau khi tiêm vắc xin của Sinovac. Đến nay, nguyên nhân tử vong của người đàn ông 63 tuổi được cho là không liên quan đến việc tiêm vắc xin Covid-19. Trong khi đó, hội đồng chuyên môn của nhà trước trách Hồng Kông chưa đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong của người phụ nữ 55 tuổi.
Trước các diễn biến trên, nhà chức trách khẳng định sẽ điều tra làm rõ, đồng thời nhấn mạnh rằng đã kiểm tra chất lượng vắc xin bằng các biện pháp khoa học cần thiết.
Theo The Washington Post, dù được viện trợ cho khá nhiều nước, nhưng vắc xin Covid-19 của Trung Quốc vẫn bị đặt câu hỏi về chất lượng thực sự, thậm chí Singapore được tặng mà không dám dùng để tiêm chủng cho người dân.
Chính quyền của đảo quốc sư tử cho rằng Sinovac cần cung cấp thêm dữ liệu, thì Singapore mới tính đến việc tổ chức tiêm chủng loại vắc xin của Sinovac.
Ông Chong Ja Ian, Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, cho rằng Singapore không từ chối vắc xin Sinovac vì ngại làm ảnh hưởng quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, nhưng nhà chức trách của Singapore cũng không thể chấp nhận việc tổ chức loại vắc xin mà thiếu dữ liệu để đánh giá. “Singapore có các lựa chọn, không giống như một số nước đã nhận được vắc xin của Sinovac”, ông Chong Ja Ian nhận xét.
Thực tế, sự lo ngại của Singapore là hợp lý, bởi đã có dấu hiệu cho thấy vắc xin Covid-19 của 2 nhà cung cấp Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm kém hiệu quả, dù Bắc Kinh đang muốn ngày càng có nhiều người nước ngoài tiêm chích 2 loại vắc xin vừa nêu để Trung Quốc có thể sớm mở cửa ngành du lịch.
Trước đó, ngày 20/3, Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan cũng xác nhận Thủ tướng nước này, Imran Khan, cùng phu nhân đã dương tính với Covid-19 chỉ 2 ngày sau khi ông Imran được tiêm liều đầu tiên của vắc xin do SinoPharm cung cấp.
Khánh Nghi