Sau khi xảy ra vụ tai nạn một cây phượng vĩ trong sân trường ở Sài Gòn bật gốc làm tử vong một em học sinh lớp 6, dư luận đã chú ý hơn đến những sự kiện tương tự. Nhiều người bắt đầu cảm thấy lo lắng và các chuyên gia cũng cho ý kiến.
Hiện tượng cây bật gốc không phải là hiếm, nhất là khi đang tiến vào mùa mưa bão như hiện nay. Tuy nhiên, cổ thụ trong trường học bị đổ như tai nạn ở Hồ Chí Minh vừa qua thì không nhiều. Thế mà, chỉ trong ngày 28/5, liên tiếp 2 cây phượng tại TPHCM và Đắk Lắk bị bật gốc, trong đó một cây trồng ở khuôn viên sân trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Trường hợp phượng vĩ bật gốc còn lại thì nằm trên đường 297, quận 9, TP. HCM (bên hông trường ĐH Văn Hoá).
Theo ông Nguyễn Nguyên Cương – Giám đốc Trung tâm Giáo dục, Truyền thông và Môi trường thì cây xanh bị gãy, đổ thường là cây bị sâu mục gốc, thân, cành; cây nặng tán lâu năm không được cắt sửa. Đặc biệt, nhiều trường hợp khó phát hiện bằng cảm quan, như cây bị xâm hại, chặt rễ hay nơi mực nước ngầm thấp, không gian sống của rễ hạn chế, rễ cây không phát triển được..
Liên hệ đến đường xá ở Hà Nội, đô thị với mật độ giao thông thấp, vỉa hè nhỏ,… phân tích của ông Cương lý giải được vì sao những năm qua hiện tượng cây đổ ở Hà Nội rất nhiều.
Ngoài ra, việc cây lớn bị bê tông hóa trong một cái bồn nhỏ sẽ khiến bộ rễ cây khó phát triển và nguy cơ ngã đổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhất là phượng vĩ – loài rễ bàng (rễ nổi và thường mọc ngang mặt đất) như trường hợp đáng tiếc xảy ra ở trường THCS Bạch Đằng vừa qua.
Hiện nay, trên nhiều tuyến phố đất kinh kỳ, không khó để tìm thấy những cây xanh lâu năm, mọc nghiêng hẳn ra lòng đường, gốc trồi lên trên, khiến người dân không khỏi lo lắng.
Theo Đài khí tượng thủy văn quốc gia, thời gian tới có khả năng xảy ra mưa dông và gió giật trên toàn quốc, do đó làm tăng nguy cơ cổ thụ gãy đổ.
Ngày 28/5, Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các trường học trên địa bàn thành phố rà soát hệ thống cây xanh trong nhà trường không để gây mất an toàn trong trường học.
Từ Thức(t/h)