Tối ngày 10/10, Bộ Y tế thông báo ghi nhận thêm 3.528 ca nhiễm Covid-19 mới, trong đó có 1.211 ca cộng đồng. Tính đến nay Việt Nam đã ghi nhận tổng cộng 20.555 ca tử vong do Covid-19, xếp thứ 34/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo thông tin trên báo Tuổi Trẻ, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có tổng cộng 839.662 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong ngày 10/10, tiểu ban điều trị thông báo ghi nhận 113 ca tử vong mới do Covid-19 tại 11 tỉnh, thành phố gồm: TP.HCM (82), Đồng Nai (3), Ninh Thuận (6), Bình Dương (12), Tây Ninh (1), Long An (4), Bình Phước (1), Đắk Lắk (1), Đắk Nông (1), Bà Rịa – Vũng Tàu (1), Cà Mau (1).
Số bệnh nhân nặng hiện đang điều trị là 5.014 ca, trong đó có 788 bệnh nhân đang thở oxy dòng cao HFNC, 3.391 ca đang thở oxy qua mặt nạ, 145 bệnh nhân đang thở máy không xâm lấn, 668 bệnh nhân thở máy xâm lấn và 22 ca điều trị ECMO.
COVID-19 gây ra tăng rối loạn trầm cảm, căng thẳng, lo âu, mất ngủ…
Ngày 10/10, Bệnh viện Sức khỏe tâm thần trung ương 1 thông báo, mới đây BV đã phân tích 66 nghiên cứu trên thế giới về tỉ lệ mắc các rối loạn tâm thần trong đại dịch COVID-19. Theo đó có thể thấy tỉ lệ mắc rối loạn lo âu là 31,9%, rối loạn trầm cảm là 31,4%, rối loạn giấc ngủ là 37,9% và căng thẳng là 41,9%.
Đặc biệt, những người dễ bị tổn thương là người ở tuyến đầu chống dịch, nhân viên y tế, người sống độc thân, người có bệnh lý nền…
Thời gian qua, BV Sức khỏe tâm thần trung ương 1 cũng nhận điều trị nhiều ca bệnh liên quan đến sức khỏe tâm thần liên quan đến COVID-19. Nếu các trường hợp này không được can thiệp ngay, thì bệnh có thể diễn biến thành các chứng rối loạn ám ảnh, sợ tiếp xúc,… gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hằng ngày.
Theo ông Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế thì đại dịch đã làm gia tăng các rối loạn sức khỏe tâm thần, làm bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội, gây ra các hậu quả nặng nề.
Trên thế giới trung bình cứ 4 người thì sẽ có 1 người có vấn đề sức khỏe tâm thần.
Yên Yên (t/h)