Bài viết có tựa đề “Một cái ao của Trung Quốc” đăng trên tạp chí Anh The Economist ngày 23/06/2018 nhận xét “Trung Quốc đã quân sự hóa Biển Đông mà không bị hề hấn gì”.
Bài báo cũng ghi nhận Mỹ đã dọa là Trung Quốc sẽ phải lãnh hậu quả, nhưng chưa rõ được hậu quả đó là gì.
Chiến lược thâu tóm biển Đông của Trung Quốc bắt đầu từ 3 năm trước, bằng những lời nói dối công khai, sau đó là những lập luận đánh lừa dư luận, để rồi đến lúc này thì Bắc Kinh cảm thấy không cần phải ngụy biện nữa vì đã nắm chắc được Biển Đông trong tay.
Nói dối trắng trợn
Cách đây gần 3 năm khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đứng cạnh Tổng thống Mỹ Barack Obama trong Vườn Hồng ở Nhà Trắng và thản nhiên nói dối rằng Trung Quốc hoàn toàn không “có ý định theo đuổi việc quân sự hóa” các hòn đảo mà các hình ảnh vệ tinh tiết lộ Bắc Kinh đang rầm rộ cải tạo ở biển Đông. Theo ông Tập lúc đó, việc xây dựng “không nhắm đến hay gây tác động” đối với bất kỳ quốc gia này.
Theo tác giả Steven Stashwick của tạp chí Châu Á The Diplomat, người ta đã luôn nghi ngờ những cam kết trên của ông Tập, trong khi ngày càng có thêm bằng chứng là Bắc Kinh đã lắp đặt những thiết bị quân sự, thậm chí vũ khí, trên các đảo trong tay họ ở Trường Sa, kể cả tên lửa chống hạm và phòng không. Hồi tháng trước, các hãng tình báo tiết lộ Trung Quốc đã lắp tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không lên cả ba hòn đảo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa. Hồi tháng 5, Trung Quốc tuyên bố họ đã hạ cánh thành công các máy bay ném bom lên quần đảo Hoàng Sa.
Theo chuyên Bill Hayton từ trung tâm tham vấn Anh Quốc Chatham House, thì bước cuối cùng trong chiến lược Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là việc triển khai máy bay tấn công ở quần đảo Trường Sa, chỉ còn là vấn đề thời gian sớm hay muộn mà thôi.
Những lập luận ngụy biện
Trung Quốc hợp pháp hóa biển Đông thành “ao làng” của mình, bằng cái mà họ gọi là “quyền lịch sử” bằng bản đồ năm 1948. Nhưng khi cái quyền này bị tòa trọng tài quốc tế The Hague tại Hà Lan bác bỏ trong “vụ kiện lịch sử” với Philippines năm 2015, thì Trung Quốc lại đổi sang một luận điệu khác. Đường “lưỡi bò” chín đoạn được thay bằng dự án “Tứ Sa”. Tứ Sa bao gồm có Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, đồng thời hai quần đảo khác cũng có tranh chấp với nước khác. Tháng 8 năm 2017, Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền tại biển Đông bằng cách khẳng định Tứ Sa là một phần thuộc thềm lục địa mở rộng của Trung Quốc và do đó khu vực 200 hải lý xung quanh là thuộc đặc quyền kinh tế, các khu vực liền kề cũng là lãnh hải thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Mỹ rõ ràng không đồng ý với ngụy biện mới này của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định Biển Đông là lãnh hải quốc tế và tàu bè cũng như máy bay Mỹ sẽ qua lại trong khu vực, bất chấp Trung Quốc có tuyên bố như thế nào.
Về quy mô cải tạo biển Đông, Trung Quốc đã thực hiện ở mức độ vượt xa tất cả các nước láng giềng gộp lại. Tổng diện tích Bắc Kinh cải tạo lên đến khoảng 1.300 ha riêng tại Trường Sa. Ngụy biện tiếp theo là Trung quốc chỉ xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung: các ngọn hải đăng và cơ sở cứu hộ tàu bè gặp nạn. Tuy nhiên điều này hoàn toàn là nói dối.
Theo Economist, trước hết, các công trình của Trung Quốc là một thảm họa sinh thái, phá hủy các rạn san hô làm cho nguồn cá bị suy giảm nghiêm trọng.
Càng gần đây, Trung Quốc càng lộ bộ mặt “vì mọi người” của mình. Đô đốc Philip Davidson, người đứng đầu Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nói rằng “Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông Nam Trung Hoa trong mọi tình huống trừ trường hợp chiến tranh với Hoa Kỳ.”
Chiến thuật bành trướng của Trung Quốc là lấn lướt từ từ, tránh khiêu khích lộ liễu để khỏi gây nên phản ứng mạnh rồi đặt mọi thứ vào “chuyện đã rồi”. Chuyên gia Andrew Erickson thuộc Trường Hải Chiến Mỹ cho rằng chính chiến thuật đó đã giúp Trung Quốc thành công mà ít bị phản ứng nhất. Vấn đề là kể từ nay, có lẽ Bắc Kinh đã nghĩ rằng họ không cần đến cái vỏ phi quân sự đó nữa.
Ai có thể cản Trung Quốc?
Economist đặt câu hỏi: “vậy những nước khác có thể làm gì?”. Mới đây, Pháp và Úc đã tuyên bố sẽ cho hải quân tới biển Đông để đối trọng với Trung Quốc, tuy nhiên có thể khó có được tác động lớn tới vùng biển này nếu xét rằng Bắc Kinh vẫn đạt được mục đích bất chấp các tuyên bố và hành động của Mỹ từ trước tới nay.
Philippines, nước đã kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài Liên Hiệp Quốc, và đã thắng kiện. Thế nhưng, khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống, ông ta không chỉ “xa Mỹ thân Trung Quốc” và còn quyết qua một bên để tranh thủ đầu tư Trung Quốc. Duterte nói ông muốn khai thác chung dầu khí với Trung Quốc để đôi bên cùng có lợi. Các mỏ khí hiện có của Philippines có thể cạn kiệt vào giữa những năm 2020.
Economist cho rằng so với Philippines, Việt Nam có lực lượng vũ trang mạnh hơn nhiều, và có thể dùng dân quân của mình chống lại dân quân Trung Quốc. Khi Bắc Kinh kéo giàn khoan vào vùng biển Việt Nam, Việt Nam cuối cùng đã tìm cách buộc được giàn khoan rút đi. Trước công chúng, Việt Nam là nước có lập trường cứng rắn hơn chống lại sự quyết đoán của Trung Quốc.
Tuy nhiên, những lập trường công khai kể trên, theo The Economist, che khuất các cuộc thảo luận trong hậu trường, kể cả vấn đề đồng phát triển. Trung Quốc là một nước lớn, các láng giềng có ít lựa chọn nào khác hơn là thuận theo Trung Quốc.
Thế nhưng thuận theo Trung Quốc cũng hàm chứa những rủi ro chính trị. Các cuộc biểu tình đẫm máu đã nổ ra ở Việt Nam khi xảy ra cuộc đọ sức với Bắc Kinh vào năm 2014. Đầu tháng Sáu này cũng có nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Việt Nam.
Tại Philippines, ngày 12/06/2018, đúng vào lễ Độc Lập của nước này, ông Duterte đã bị bất ngờ trước những cuộc biểu tình phản đối việc Trung Quốc tịch thu cá của các tàu Philippines đánh bắt gần bãi Scarborough. Phía Trung Quốc đã nhượng bộ, cho rằng việc tịch thu là một sai lầm. Tuy nhiên, theo ông Jay Batongbacal thuộc Đại Học Philippines, nếu ông Duterte không thể chứng minh nhiều lợi ích hơn từ chính sách ủng hộ Trung Quốc của ông, cái giá mà ông sẽ phải trả về chính trị sẽ tăng lên.
Phản ứng của Mỹ
Về phần Mỹ, chính quyền của tổng thống Donald Trump dường như có một chiến lược gây sức ép trên Trung Quốc trên một số mặt trận, bao gồm thương mại và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Đài Loan.
Washington đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân RIMPAC thường kỳ ngoài khơi Hawaii, trong khi lại mời Việt Nam. Mỹ cũng gia tăng các chiến dịch “tự do hàng hải” ở Biển Đông (cho tàu đến gần các đảo mới của Trung Quốc) và thuyết phục Pháp và Anh cùng tham gia. Có lẽ là lằn ranh đỏ mà ông Obama đặt ra – Trung Quốc không được xây dựng của trên bãi Scarborough – vẫn còn được duy trì.
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis đã dọa rằng Trung Quốc sẽ bị những “hậu quả lớn hơn” nếu không thay đổi hành động, tuy nhiên Lầu Năm Góc chưa hiện hiện thức hóa “hậu quả” đó là gì. Dù vậy, tới hiện tại, chiến lược thâu tóm biển Đông của Trung Quốc phần nhiều đã đặt mọi sự vào “chuyện đã rồi”.
>>> Trump không ngừng ra chiêu, Trung Quốc vô phương chống đỡ
>>> Trung Quốc đã trở nên thế nào sau khi luật An ninh mạng được thông qua?
Theo trithucvn.net