Thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn giao thông hay vụ hành hung nơi công cộng mà nạn nhân gặp nguy hiểm, thậm chí bị tước đi tính mạng nhưng không ai ra tay giúp đỡ, thậm chí nhiều người còn thản nhiên lấy điện thoại ra quay clip, livestream, chẳng mấy ai nghĩ tới chuyện cứu người… Con người ngày nay vô cảm đến mức như vậy sao?
“Lạnh lùng nhất chính là lòng người”
Theo VTC News, vào ngày 8/1, một người phụ nữ bị đâm chết ở Thường Tín, Hà Nội. Có ít nhất 3 người chứng kiến sự việc, trong đó có 1 phụ nữ bất lực, 2 người đàn ông làm nghề lái xe ở gần đó nhưng không can ngăn.
Đáng sợ hơn, hai người đàn ông trên còn ngồi im trên xe và quay lại clip. Không một ai có động thái dù là nhỏ nhất nhằm ngăn chặn sự việc.
Đây không phải là lần đầu tiên sự việc như trên xảy ra, thời gian qua có rất nhiều vụ tai nạn giao thông hay vụ hành hung nơi công cộng mà nạn nhân gặp nguy hiểm, thậm chí bị tước đi tính mạng nhưng không ai ra tay giúp đỡ, hay ít ra thể hiện một chút nỗ lực cố gắng ngăn chặn sự việc.
Trước đó, vào chiều 2/1/2019, tại ngã tư Bình Nhật ở xã Nhật Chánh, huyện Bến Lức (Long An), xe container tông thẳng vào khoảng 20 xe máy đang dừng chờ đèn đỏ làm 4 người chết và hàng chục người bị thương. Không ít người xúm lại không phải để giúp đỡ mà để chụp vài kiểu ảnh đăng lên Facebook như kẻ thạo tin.
Hình ảnh do camera an ninh ghi lại trên vỉa hè TP.HCM rạng sáng 25/6/2019 cho thấy, một cô gái bị tai nạn giao thông nằm bất động rất lâu, nhưng mấy chục người đi qua chỉ nhìn mà không một ai dừng lại xem cô gái ra sao chứ đừng nói là có hành động giúp đỡ. Đến khi có người quan tâm đến thì tính mạng cô gái đã không còn cứu được nữa.
Vào ngày 27/6/2019, một tài xế taxi Vinasun đâm đôi nam nữ thương vong ở quận Tân Phú (TP.HCM) rồi bỏ trốn. Chứng kiến cảnh nạn nhân nằm đó giơ tay cầu cứu, nhiều người vẫn thản nhiên bỏ đi, coi như không có chuyện gì xảy ra.
Đêm 11/12/2020, một nam thanh niên đang đi xe máy trên đường thì bị ngã, cố ngồi dậy nhưng không nổi, những người qua đường khi ấy đều chỉ nhìn rồi lướt đi, không ai đỡ dậy, và rồi thanh niên đó đã bị xe tải cán chết.
Và gần đây nhất là vụ người phụ nữ bị sát hại dã man trưa 8/1 trong khi các tài xế chứng kiến chỉ ngồi nhìn và quay clip như đã nói ở trên.
VTC News nhận định, chưa có khi nào, sự thờ ơ, vô cảm của con người lại rơi vào tình trạng đáng báo động như hiện nay. Nhiều người cố gắng phân tích, lý giải nhưng cũng không thể giải thích được một cách thuyết phục tại sao con người giờ đây lại thờ ơ với nhau như thế.
Vì sợ hãi, lo lắng cho tính mạng của bản thân? Vì sợ phải liên lụy? Điều này cũng đúng với một số người. Trước những vụ tai nạn, những vụ hành hung, khi mà hung thủ điên cuồng, ai mà không sợ? Thế nhưng, có rất nhiều sự việc mà giá như người chứng kiến đừng im lặng, đừng dửng dưng thì có lẽ, hậu quả sẽ giảm đi rất nhiều.
Dù vậy thì đối với rất nhiều người còn lại, không thể dùng từ “sợ” để lý giải cho hành động của họ khi mà đứng trước cái chết của đồng loại họ vẫn điềm nhiên đứng lại xem, thậm chí còn tìm mọi cách chen lấn, tới gần hơn xem cho rõ. Không những vậy, họ còn hào hứng lấy điện thoại quay lại video, livestream, hào hứng tường thuật lại sự việc trên mạng…
Từ trước tới nay, người Việt thường tự hào có truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, yêu thương chia sẻ lẫn nhau nhưng trong xã hội hiện đại, có vẻ điều đó ngày càng trở nên khan hiếm.
Sự vô cảm là giờ đây dường như đã là căn bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt trong xã hội. Đáng đau buồn thay khi các nạn nhân qua đời, điều cuối cùng họ cảm nhận lại là sự thơ ơ, vô tình của đồng loại, và ý nghĩ cuối cùng của họ chính là trên thế gian này, lạnh lùng nhất chính là lòng người.
Con người có thực sự vô cảm?
Trong khi nhiều độc giả đồng tình với quan điểm trên thì cũng có nhiều bạn đọc cho biết sự thờ ơ này một phần là do pháp luật còn nhiều lỗ hổng, không có chế độ bảo vệ những người cứu nạn nhận, không những vậy đôi khi người giúp đỡ còn bị đi tù, bị người thân nạn nhân hiểu lầm đánh, chém…
Bạn đọc LinhZuzu viết: Bài báo có vẻ muốn chỉ trích 2 ông tài xế ngồi quay clip nhỉ? Rồi lao vào nó xiên cho bỏ mạng thì ai thương giùm? Rồi nếu tìm cách tấn công để khống chế nó, nhỡ tay phang cái vào đầu, nó chết ra đấy thì luật pháp có bảo vệ không? Cuối cùng cũng chỉ có bản thân và gia đình vợ con phải đau khổ mà thôi. Xã hội thả vài cái comment thương cảm là hết.
Đồng ý với quan điểm của người viết bài rằng lạnh lùng nhất là lòng người, bạn đọc Mai Nguyen cho biết, nhiều khi chỉ cần hành động nhỏ là có thể cứu được một mạng người nhưng họ lại thờ ơ, dửng dưng đứng nhìn hoặc đứng chụp hình quay phim để sống ảo mà quên mất một sinh mạng đang cần sự cứu giúp, chua sót thay hai chữ tình người.
Tuy vậy bạn đọc Mai Nguyen cũng nhận định rằng trong xã hội hiện đại này vẫn còn rất nhiều tấm lòng tốt, nhưng họ giúp người bằng các biện pháp khác, còn giúp người khi đi đường họ sợ liên lụy, nhiều người muốn trở thành người tốt nhưng lại vướng vào lao lý.
Ví dụ như tài xế tuyến Buôn Mê Thuột đi TP.HCM gặp em bé bị lạc đưa lên xe có sự chứng kiến của hàng chục người khác, nhưng vẫn bị đi tù, rồi còn ảnh hưởng tới công việc, v.v…
Bạn đọc Phạm Lộc cho biết: Cứu người thì lo sợ bị dàn cảnh cướp giật hoặc bị người nhà nạn nhân đánh vì nghĩ mình là người gây ra tai nạn, ông cậu tôi cũng đã từng vì cứu người mà bị ăn đấm sưng hết mặt mũi. Còn các vụ hành hung ẩu đả nếu lao vào khống chế 1 là mình bị thương vong 2 là hung thủ rồi lại dính đến pháp luật, lên trình báo mất rất nhiều thời gian và nếu lỡ làm hung thủ thương vong thì đi tù như chơi.
Pháp luật hiện tại còn quá nhiều lỗ hổng, không có cơ chế minh bạch nên người dân càng ngày họ càng thờ ơ vì họ sợ liên lụy là chính, nhiều vụ làm ơn mắc oán lắm rồi.
Bạn đọc huy viết: Dân giúp đỡ thì chẳng ghi nhận còn kéo họ vào các thủ tục pháp lý rườm rà. nghiên cứu thì thấy buồn. có lẽ vấn đề này còn kéo dài nhưng không giải quyết được.
Một bạn đọc khác viết: Cần phải xem lại quy định của pháp luật và người thực thi pháp luật! Quy định của pháp luật thì thiếu và không rõ ràng. Người thực thi pháp luật thì không nghiêm hoặc không khách quan!
Bạn đọc LuongBTC viết: Tác giả nhận định “vô cảm là căn bệnh đang lây lan với tốc độ chóng mặt”: không sai chút nào. Nhưng chắc vì nhiều điều “khó nói”, nên bài viết không tiếp tục “sục” vào tận cùng con hẻm xã hội.
Thực trạng xã hội ta – Việt Nam, không còn có người hùng “Từ Hải” nữa rồi, nên sự “vô cảm” trở thành tất yếu, mặc dù có nhiều. Đâu đó cũng có “vài Từ Hải” trên đường phố, nhưng nó chẳng là gì với cả một đống hành động côn đồ, từ trẻ em, học sinh đến các bậc “cao niên”!
Vì sao không còn ai dám ra tay “dẹp loạn”, liệu các cơ quan hành pháp, lập pháp – nơi phải chịu trách nhiệm về sự “vô cảm” này, có ai dám đứng ra trả lời ngôn luận: chẳng ai cả, và có lẽ đó là nguyên nhân của những hành vi côn đồ lộng hành, nếu không nói là được “chống lưng”?
Vũ Tuấn (t/h)