“90 phút, tôi ngồi vật vã làm đề thi Toán. Nhưng khi mới được 45 câu thì hết giờ, và vẫn còn 5 câu nữa tôi chưa làm đến. Nhìn số câu còn lại, tôi đã khóc!”, thầy Trần Mạnh Tùng xúc động nói.
Những chia sẻ của thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, một trong những trường trung học phổ thông nổi tiếng chất lượng nhất Hà Nội, đã khiến nhiều người không khỏi nghẹn ngào.
Trò chuyện với phóng viên VietnamPlus, thầy Tùng nói anh cảm thấy thương học sinh vô cùng khi các em phải làm một đề thi khó đến như vậy.
Không học thêm, không thể làm bài
Thầy Tùng cho biết, ngay khi có đề Toán, mã đề 106, vào chiều buổi thi, ngày 25/6, thầy đã bấm giờ để làm đề thi như thí sinh: “Tôi trừ 35 phút cho 35 câu đầu, vì các đề tương tự tôi cũng mất khoảng chừng đó thời gian. 35 câu đầu là những câu hỏi cơ bản. Từ câu 36 đến câu 40, 5 câu này tôi mất 30 phút để làm. Trong đó có những câu phải làm đến 5, 6 phút, có câu 10 phút. Khi làm được hơn 40 câu thì chỉ còn 15 phút nữa, tôi bắt đầu cuống. Làm đến câu 45 thì hết giờ”.
Chia sẻ về cảm xúc của mình lúc đó, thầy Tùng bảo thầy đã rất xúc động, vì nghĩ mình là một người thầy dày dạn kinh nghiệm, lại không hề phải chịu áp lực tâm lý nặng nề trong phòng thi với giám thị trông trước trông sau, không chịu áp lực điểm số để xét tuyển đại học, mà còn không làm được bài thi, thì học trò làm sao nổi.
“Tôi thương lứa học sinh năm nay đã phải học quần quật cả năm trời, nhưng đề Toán làm khó các em quá. Đề dài, nhiều câu như bài tự luận ngày xưa, làm hùng hục cũng mất 10 phút mới xong. Đề khó hơn nhiều so với đề minh họa đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố và càng khó hơn đề năm 2017. Tôi thương các lứa học sinh năm sau sẽ phải theo đà khó này mà căng sức ôn luyện. Tôi trách người lớn đã quá vô tâm, vô trách nhiệm, trách Bộ Giáo dục và Đào tạo nói một đằng, làm một nẻo”, thầy Tùng xúc động nói.
Theo thầy Tùng, với đề thi Toán năm nay, nếu học sinh không căng sức luyện thi, không đi học thêm, thì các em sẽ không thể làm tốt bài.
“Ở trường Lương Thế Vinh, một trường chất lượng có tiếng của cả nước, việc làm đề khó là rất bình thường mà tôi vẫn còn có cảm nhận đề như vậy. Ở giữa Hà Nội, nơi các em có rất nhiều trung tâm ôn luyện, nhiều giáo viên giỏi, nhiều công cụ hỗ trợ, mà thí sinh vẫn còn khóc khi ra khỏi phòng thi vì không làm được bài.Điều đó có nghĩa là ở những nơi mà các em không có điều kiện học như Hà Nội, ở môi trường khác, chất lượng đầu vào khác, các em sẽ bị sốc. Điều đó cũng có nghĩa là sẽ không có sự công bằng giữa các thí sinh”, thầy Tùng chia sẻ.
Bộ Giáo dục đã không giữ lời
Nói về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đề sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, thầy Tùng khẳng định: “Đề nằm ngoài chương trình”.
“Nếu nằm trong chương trình phổ thông thì phải gồm cả mức độ khó, dễ, cả dạng đề. Với đề thi này, nói nằm trong chương trình có chăng chỉ là khái niệm, các chữ như ‘đạo hàm’, ‘đồ thị’… , còn các dạng bài toán thì hoàn toàn ngoài sách giáo khoa. Có ít nhất 10 câu, từ câu số 40 trở đi, không câu nào trong chương trình. Không học thêm bên ngoài, học sinh không thể làm được. Như vậy, không thể nói đề thi nằm trong chương trình”, thầy Tùng nhấn mạnh.
Thầy Tùng cho rằng đề thi đã không xuất phát từ chương trình các em được học, trong khi Bộ Giáo dục khẳng định thí sinh chỉ cần học trong sách giáo khoa.
“Nhiều người nói đề khó sẽ khó chung, điểm chuẩn xét tuyển đại học theo đó mà hạ xuống. Nhưng vấn đề là với đề thi này, sẽ đẩy việc luyện thi lên mạnh mẽ hơn, học sinh phải căng sức học những kiến thức ngoài chương trình. Chắc chắn năm tới, giáo viên sẽ phải làm thêm nhiều đề. Các thầy bắt đầu tu luyện cho học sinh dựa trên các đề thi năm nay, vốn đề nào cũng khó. Học sinh cũng phải gồng mình theo mới mong làm được bài thi. Cứ như thế, trào lưu đề khó đẩy lên, tạo áp lực nặng nề cho cả người dạy và người học, dù ngành giáo dục đang định hướng đến giáo dục toàn diện, tiến bộ, thực tiễn. Đó mới là vấn đề đáng lo ngại. Với đề thi này, Bộ đã rời xa chính cái mà Bộ đang hướng đến”, thầy giáo dạy Toán phân tích.
Bày tỏ sự cảm thông với ban ra đề thi, đội ngũ phản biện đề khi phải chịu rất nhiều áp lực, thầy Tùng cho rằng, có thể chính chủ trương phải ra đề khó hơn, với mức độ phân hóa cao đề năm 2017 đã làm cho tính khách quan của ban ra đề không còn. Theo thầy Tùng, giáo viên khi ra đề sẽ đánh giá được ngay học sinh ở từng mức học lực sẽ làm được bài ở mức độ nào, nhưng chính suy nghĩ chủ quan trong chủ trương đó đã khiến họ rất khó đánh giá chính xác mức độ khó, dễ của đề.
“Tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ lắng nghe những ý kiến góp ý và có điều chỉnh phù hợp. Bộ cũng nên sớm công bố đề minh họa vào đầu năm học để giáo viên, học sinh kịp điều chỉnh cách dạy và học. Nếu không, năm học tới với học sinh và giáo viên lớp 12 sẽ là một năm đầy áp lực. Cả xã hội đang dồn đám trẻ vào thế khó và khổ. Chúng ta đã đi quá xa rồi!”, thầy Tùng nói.
Rất nhiều thí sinh cũng chia sẻ thi THPT quốc gia 2018 môn Toán quá khó
Tại điểm thi Trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội), em Duy Minh – học sinh lớp 12 Trường THPT Hoài Đức A cho biết, mình chỉ chắc được khoảng 6,5 điểm.
“Em cũng không ngờ đề thi Toán năm nay lại khó đến thế. Khoảng 30 câu đầu tiên ở mã đề 106 em làm, nếu nắm chắc kiến thức cơ bản thì có thể xử lý gọn trong chưa đầy 1 tiếng. Tuy nhiên, tới câu thứ 31 trở đi thì mức độ phân hóa đã rất rõ rệt. Nhất là ở 10 câu cuối cùng, không thể dùng máy tính bấm để ra kết quả mà phải vận dụng tư duy mới làm ra kết quả”, Minh nói.
Còn theo em Công Lĩnh (học sinh Trường THPT Hoài Đức B), với đề thi Toán mã đề 110, nam sinh này chỉ tự tin đạt được điểm 6. Phần khó nhất là tính góc giữa hai mặt phẳng và tìm giới hạn của mặt phẳng. Nam sinh cho rằng chỉ có khoảng 3 – 4 câu thuộc kiến thức lớp 11. Lĩnh nắm chắc được khoảng 30 câu đầu tiên nên khó hi vọng đạt được điểm 8, 9.
Theo VietnamPlus