Tinh Hoa

Thay đổi cuộc sống hay quảng bá phẫu thuật thẩm mỹ?

Hình ảnh cô gái thay đổi hoàn toàn gương mặt sau cuộc phẫu thuật thẩm mỹ tại Hàn Quốc xuất hiện trong chương trình truyền hình thực tế mới Change life – Thay đổi cuộc sống (được phát sóng trên kênh VTV2) khiến khán giả kinh ngạc.

Hai nhân vật Vũ Thanh Quỳnh (ảnh trên) và Trần Vũ Phương trước và sau khi được phẫu thuật thẩm mỹ – Ảnh: chụp lại từ màn hình chương trình

   
 
 
Chương trình bị chỉ trích là đã khiến người Hàn Quốc càng lúc càng bị ám ảnh với những khiếm khuyết của vẻ bên ngoài, quá coi trọng hình thức mà quên đi vẻ đẹp từ tâm hồn, sự tự tin
 
 
 

Cô gái với hình ảnh sau phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM) được lan truyền trên mạng với tốc độ chóng mặt vừa qua là Vũ Thanh Quỳnh. Hình ảnh Quỳnh trước và sau PTTM không khỏi khiến người ta ngỡ ngàng, bởi nhờ phẫu thuật cô trở nên xinh đẹp đúng chuẩn một hotgirl: cằm V-lines, mũi cao… và đặc biệt khác hẳn diện mạo “cha sinh mẹ đẻ” trước đây. Ngay như mẹ Quỳnh cũng không nhận ra cô nếu không nghe giọng nói thân quen của con gái. Không chỉ có Quỳnh, các nhân vật khác trong chương trình cũng khiến người thân và bạn bè ngỡ ngàng trước gương mặt mới, đẹp trai và xinh gái, và họ cho biết tự tin hơn với vẻ ngoài mới này.

Chương trình này do Ban Khoa giáo, Đài truyền hình VN (VTV) phối hợp với kênh truyền hình Raum (Hàn Quốc) thực hiện. Đại diện nhà sản xuất VN cho biết chương trình nhằm mục đích từ thiện, bởi vậy phía đối tác yêu cầu không quảng cáo nhiều. Ngoài ra, đây không phải là cuộc thi tuyển thí sinh, vì thế những thông tin tìm ứng viên tham gia chỉ được chia sẻ trên trang web nội bộ, các trang mạng xã hội, từ đó được chia sẻ rộng. Thời gian tuyển chọn chỉ kéo dài trong khoảng 2 – 3 tháng nhưng đã có hơn 700 hồ sơ gửi về, 30 ứng viên được lựa chọn trong số đó để các bác sĩ Hàn Quốc sang thăm khám trực tiếp và quyết định chọn 11 người (10 nữ, 1 nam) đưa sang Hàn Quốc PTTM miễn phí với số tiền 50.000 USD/người trong khoảng thời gian 3 tháng.
“Chương trình phát sóng không phải để tôn vinh thẩm mỹ Hàn Quốc. Bệnh viện (BV) VN cũng làm được chứ không chỉ có Hàn Quốc mới làm được, nhưng chương trình hướng tới mục đích nhân đạo, từ thiện”, đại diện nhà sản xuất VN nói. Chương trình có thời lượng khoảng 30 phút/lần phát, gồm các đoạn phim ngắn về cuộc sống, hoàn cảnh của nhân vật tại VN, khoảng thời gian nhân vật được tiến hành PTTM và chăm sóc hậu phẫu tại BV Hàn Quốc. Tuy nhiên, dù theo thông tin từ phía nhà sản xuất, chương trình được yêu cầu không đăng tải nhiều hình ảnh, logo BV thực hiện phẫu thuật, mà tên BV chỉ được để ở phần cảm ơn, nhưng thực tế, tên BV và tên bác sĩ được ghi khá cụ thể trong các đoạn phóng sự hay đoạn ghi hình tại trường quay. Ngoài ra, qua các đoạn phim, khán giả được giới thiệu tỉ mỉ, chi tiết về quy trình PTTM chuyên nghiệp, cẩn trọng và chu đáo. Những phương pháp phẫu thuật mới, những thông tin về các thiết bị hiện đại, tối tân đang được sử dụng tại các BV cũng được chia sẻ với khán giả trong mỗi số chương trình. Không khó để nhận ra công nghệ PTTM cùng tên tuổi các BV của đất nước này đã được giới thiệu một cách kỹ càng tới khán giả VN.
Gây tranh cãi ngay tại Hàn Quốc
Theo chia sẻ từ nhà sản xuất, chương trình lựa chọn người tham dự là những người bị dị tật, khuyết tật dẫn đến mặc cảm, để giúp họ thay đổi, tự tin hơn trong cuộc sống với diện mạo mới. “Mục đích chương trình không phải tôn vinh làm đẹp nhân tạo, PTTM mà để tạo nên niềm tin, cơ hội tìm việc làm, tự chủ về cuộc sống cho nhân vật”, đại diện nhà sản xuất nói.
Với nhân vật bị dị tật, khuyết tật không thể hòa nhập với xã hội, việc hỗ trợ PTTM mang tính nhân văn cao. Dù mục đích của nhà sản xuất là vậy, nhưng việc lựa chọn nhân vật đã phù hợp? Không ít khán giả nhận ra nhiều nhân vật xuất hiện trong chương trình thực sự mới ở mức độ không ưa nhìn, có khiếm khuyết trên khuôn mặt, chứ không thể gọi là bị dị tật, khuyết tật… Ngay như nhân vật Trần Vũ Phương cũng tự nhận anh không bị dị tật mà chỉ là cho rằng mình xấu, rồi mặc cảm với vẻ bề ngoài. Nhiều lời nhận xét đầy thiện chí được đưa ra với những người được chọn để phẫu thuật: “Bạn chỉ bị răng hô, có thể niềng răng lại, nhưng bạn đâu có xấu”, “Tôi không nghĩ khuôn mặt có răng hô mà bị bạn bè xa lánh, ghẻ lạnh hay không tìm được việc làm nếu có tài năng”, “Anh này không đẹp trai, nhưng không phải quá xấu, mà PTTM trông lại mất thiện cảm”… Nhiều người cho rằng chương trình tại VN cũng đang có phần lạm dụng PTTM bởi nếu nhân vật chỉ khiếm khuyết ở bộ phận nào thì chỉ nên phẫu thuật bộ phận đó, chứ không nên thay đổi hoàn toàn diện mạo.
Thực tế, ngay tại Hàn Quốc những chương trình này dù nhận được tỷ lệ người xem rất cao, nhưng đã gây tranh cãi gay gắt. Khán giả chỉ trích chương trình cố tình tạo nên kịch tính và thực hiện những cuộc phẫu thuật không cần thiết. Ngoài ra, họ lo ngại thế hệ trẻ khi xem những chương trình này dễ nghĩ rằng PTTM là việc bình thường, là “chìa khóa vàng” dẫn đến thành công mà quên đi những nguy cơ, biến chứng có thể xảy ra. Thêm nữa, chương trình bị chỉ trích là đã khiến người Hàn Quốc càng lúc càng bị ám ảnh với những khiếm khuyết của vẻ bên ngoài, quá coi trọng hình thức mà quên đi vẻ đẹp từ tâm hồn, sự tự tin, đặc biệt là làm trầm trọng thêm vấn đề tồn tại lâu nay trong xã hội Hàn Quốc. Đó là việc quốc gia này có tỷ lệ bình quân đầu người PTTM cao nhất thế giới.
Sử dụng PTTM để đẹp hơn là nhu cầu chính đáng của mỗi người. Tuy nhiên không phải vô cớ mà những chương trình thực tế về PTTM lại bị coi là nhạy cảm, bởi PTTM liên quan trực tiếp tới sức khỏe con người. Dù những nhân vật được lựa chọn đều là những người cho thấy khả năng phẫu thuật thành công cao, nhưng cần lường trước rằng có những “sản phẩm” PTTM chỉ có tuổi thọ nhất định, tức là sau một thời gian, bộ phận được phẫu thuật có thể bị biến dạng, thậm chí gây đau đớn… Và khi đó, ai sẽ giúp họ “bảo trì” vẻ đẹp này?

Ngọc An

Theo Thanh Niên