Nhiều công trình hơn trăm tỷ tại Thanh Hóa được đầu tư xây dựng với mục đích trọng đại nay chưa hoàn thành hoặc bị bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, trở thành nơi chăn bò thả dê nuôi vịt.
Trung tâm hội nghị hơn trăm tỷ thành nơi chăn dê
Theo báo Dân Việt, một trong những công trình gây lãng phí của Thanh Hóa phải kể đến là Trung Hội nghị Hàm Rồng tại phường Hàm Rồng (TP. Thanh Hóa) có tổng mức đầu tư hơn 160 tỷ đồng nay thành nơi chăn thả dê.
Cụ thể, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được khởi công xây dựng tháng 12/2012 và đưa vào sử dụng từ tháng 11/2014, nhằm mục đích phục vụ các sự kiện văn hóa trọng đại của thành phố và tỉnh Thanh Hóa.
Theo hồ sơ thiết kế, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng có hình thức kiến trúc truyền thống gồm: Trung tâm đón tiếp, nhà nghỉ sinh thái, nhà thông tin và các công trình phụ trợ cùng hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, nhà trung tâm đón tiếp khách có chiều cao tầng một là 4,2m; tầng hai là 3,6m với diện tích xây dựng 590m2, diện tích sàn là 935m2.
Nhà nghỉ sinh thái hình thức kiến trúc truyền thống gồm 5 nhà, mỗi nhà cao 2 tầng, tầng 1 cao 3,6m; tầng 3 cao 3,3m. Diện tích xây dựng là 162m2, diện tích sàn là 300m2.
Bên cạnh đó, còn có các công trình phụ trợ và hạ tầng kỹ thuật khác như cổng, đường giao thông trước Trung tâm hội nghị, cấp điện ngoài nhà, sân đường nội bộ, cấp thoát nước ngoài nhà, cây xanh…
Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư hơn 110 tỷ đồng từ nguồn vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và 10% vốn đối ứng của nhà nước. Tuy nhiên trong quá trình thi công đã đội vốn lên 160 tỷ.
Năm 2015, Trung tâm hành chính của Thành ủy, UBND TP. Thanh Hóa chuyển sang xây dựng tại vị trí mới nên đã sử dụng Trung tâm hội nghị Hàm Rồng là nơi làm việc tạm thời. Trung tâm thời điểm này được sửa sang, ngăn các phòng riêng biệt cho phù hợp với công năng sử dụng.
Đến năm 2019 khi trụ sở làm việc mới của thành ủy, UBND TP. Thanh Hóa (tại phường Đông Hải) hoàn thành đưa vào sử dụng thì Trung tâm hội nghị Hàm Rồng đã ngưng hoạt động.
Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Trung tâm hội nghị Hàm Rồng được thành phố trưng dụng làm nơi cách ly tập trung. Từ đó đến nay, nơi đây bỏ hoang.
Theo ghi nhận thực tế từ phóng viên báo VietNamnet, hiện nay ở khu nhà trung tâm đón tiếp, hội trường, 5 nhà nghỉ sinh thái (dạng biệt thự), sân thể thao hiện đang xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; đồ dùng văn phòng vứt bừa bãi không có bảo vệ trông coi, các mảng trần bị bong tróc; bên ngoài cỏ mọc um tùm. Hành lang, nền, tường xuống cấp, phủ rêu mốc… Khuôn viên trung tâm hội nghị bỏ hoang thành nơi chăn thả dê.
Thừa nhận thực trạng xuống cấp của Trung tâm hội nghị Hàm Rồng trên Dân Trí, đại diện Thành ủy TP. Thanh Hóa cho biết, từ tháng 03/2022, thành phố đã không còn sử dụng Trung tâm hội nghị này làm khu cách ly.
Tuy nhiên tỉnh đã có kế hoạch bố trí các đơn vị sự nghiệp phù hợp về đây làm việc, Trong tháng 04, Thường trực Tỉnh ủy sẽ họp, bàn bạc về nội dung này nhằm lựa chọn đơn vị phù hợp.
Dân mất đất canh tác, dự án ngàn tỷ vẫn ‘bất động’ suốt 12 năm
Theo báo Người Lao Động, ngoài Trung tâm Hội nghị Hàm Rồng hiện đang bị bỏ không thì tình trạng của dự án dạy nghề Y tá điều dưỡng quốc tế (tại thị trấn Tân Phong, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) còn thê thảm hơn.
Dự án Trung tâm dạy nghề Y tá điều dưỡng quốc tế trên được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương năm 2014, giao cho Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ thương mại Sơn Thái Thành (nay là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Thái Thành, địa chỉ tại quận Thủ Đức, TP.HCM) đầu tư xây dựng trên diện tích 50.000m2.
Dự án này ban đầu có mức đầu tư là 160 tỷ đồng, sau nhiều lần điều chỉnh, đến năm 2019 đã lên tới hơn 670 tỷ đồng; nhưng hiện nay nơi xây công trình vẫn chỉ là bãi chăn bò, nuôi vịt.
Huyện Quảng Xương từ năm 2019 cho biết, tiến tới sẽ đề nghị tỉnh Thanh Hóa thu hồi dự án, trả lại đất cho huyện quản lý, sử dụng, tránh tình trạng lãng phí quỹ đất…
Ngoài ra, còn có dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn có vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng, được khởi công xây dựng năm 2009 tại xã Thúy Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa.
Báo Zing dẫn nguồn tin từ UBND huyện Ngọc Lặc cho biết, 206 hộ dân tại 4 thôn của xã Thúy Sơn đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án Nhà máy Xi-măng Thanh Sơn. Người dân bàn giao đất ở, đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng xây nhà máy nên không còn đất để canh tác. Tuy nhiên sau 12 năm, dự án này vẫn ‘bất động’…
Vũ Tuấn (t/h)