“Chúng tôi không biết cơ quan nào chủ trì giải quyết vụ việc nên tạm thời cứ thu giữ máy móc của đơn vị trực tiếp gây ra hư hỏng, lún nứt nhà làm tin, lúc nào nhận được tiền bồi thường thỏa đáng, chúng tôi sẽ để họ đưa thiết bị đi”.
Dự án cầu Bút Sơn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ ngày 20/9 song hiện còn một số hộ dân bị hư hỏng nhà cửa chưa nhận tiền đền bù. Trước khi nhà thầu dời đi, một số gia đình đã thu giữ nhiều phương tiện cơ giới nhằm gây áp lực đòi bồi thường tài sản hư hại.
“Chúng tôi không dùng được số máy móc này, chỉ mong được bồi hoàn hợp lý cho những căn nhà bị hư hại nghiêm trọng do dự án gây ra”, bà Nguyễn Thị Hồng, một trong 18 hộ dân xã Hoằng Xuyên, huyện Hoằng Hóa, bị lún nứt nhà nói.
Bà Hồng cho hay, căn nhà ba tầng của gia đình được xây dựng năm 2006 với trị giá hơn 800 triệu đồng. Kể từ khi thi công cầu Bút Sơn, nhà bị rạn nứt nham nhở, nền móng bị sụt lún, nghiêng về phía chân cầu tới 15 độ. Dù hư hại nghiêm trọng nhưng gia đình chỉ được thông báo hỗ trợ 27 triệu đồng nên không đồng ý.
Theo bà Hồng, trước khi dự án khởi công có đoàn thẩm định về chụp hình, đánh giá. “Họ kết luận căn nhà không có sụt lún hay nứt nẻ gì, nhưng chỉ sau ít tháng thi công, nhà bắt đầu rung lắc rồi nứt nẻ nhiều vị trí do máy lu, đầm làm mố cầu gây ra”, bà Hồng nói.
Cách nhà bà Hồng không xa là gia đình anh Nguyễn Văn Long. Căn nhà được xây 9 năm trước với giá trị hơn 100 triệu đồng và hiện bị nứt toác nhiều chỗ. Anh Long cũng không đồng ý với khoản đền bù hơn 9 triệu đồng do đơn vị thi công áp giá.
“Số tiền quá ít ỏi so với thiệt hại thực tế”, anh Long nói và cho biết trong lúc chờ ban quản lý dự án hoàn thành thủ tục bồi thường thiệt hại, 18 hộ bị rạn nứt nhà cửa đã tự ý thu giữ máy móc, thiết bị của nhà thầu (gồm một máy xúc, một cẩu và một lu tỉnh) sau đó lập chòi canh giữ không cho đưa máy móc ra khỏi địa bàn.
“Chúng tôi không biết cơ quan nào chủ trì giải quyết vụ việc nên tạm thời cứ thu giữ máy móc của đơn vị trực tiếp gây ra hư hỏng, lún nứt nhà làm tin, lúc nào nhận được tiền bồi thường thỏa đáng, chúng tôi sẽ để họ đưa thiết bị đi”, anh Long nói.
Sau khi chính quyền can thiệp, mới đây một số hộ dân đã ký nhận đền bù nhưng vẫn còn nhiều hộ chưa thống nhất mức áp giá nên vẫn ngày đêm thay nhau canh giữ số máy móc trên.
Ông Lê Văn Nhuần, Phó chủ tịch UBND huyện Hoằng Hoá cho biết, huyện chuẩn bị tổ chức buổi đối thoại nhằm thuyết phục người dân tự nguyện giao trả máy móc cho nhà thầu. “Việc người dân tự ý thu giữ máy móc là không đúng song chính quyền cũng khó áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi vì sẽ gây bức xúc trong nhân dân”, ông Nhuần nói.
Cầu Bút Sơn nằm trên quốc lộ 10 đoạn qua huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa), thuộc Dự án tín dụng ngành giao thông vận tải, được khởi công từ tháng 5/2014, hoàn thành ngày 20/9/2015. Chủ đầu tư là Ban quản lý dự án 6 (Bộ Giao thông Vận tải), nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần cầu 14 (Cienco), Công ty cổ phần xây dựng công trình đầu tư 120 và Công ty cổ phần cầu 5 Thăng Long.
Theo vnexpress