Từ năm 2 tuổi, Nguỵ Vĩnh Khang đã học thuộc được 1.000 chữ Hán, 4 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học, 13 tuổi đã là sinh viên đại học… được ca ngợi là “Thần đồng Phương Đông” 10 năm hiếm có nhưng sau đó lại bị trường cho thôi học vì không thể tự chăm sóc bản thân.
‘Thần đồng phương Đông’
Nguỵ Vĩnh Khang sinh ngày 17/6/1983 tại huyện Hoa Dung, Hồ Nam, Trung Quốc. Anh vốn là cái tên vô cùng nổi tiếng từ nhiều năm trước.
Sinh ra trong một gia đình bình thường, bố là cựu chiến binh, mẹ là nhân viên tại cửa hàng tạp hoá, từ nhỏ Vĩnh Khang đã thể hiện tố chất thông minh hơn người.
Mẹ của anh Nguỵ cho hay, năm 2 tuổi anh đã học thuộc 1000 chữ Hán thậm chí đọc được thơ Đường. Năm 4 tuổi, anh đã hoàn thành chương trình học tiểu học, đến năm 8 tuổi, anh thi đỗ vào trường trung học trọng điểm của tỉnh.
Thời điểm đó, báo chí đã lên không ít bài ca ngợi tài năng và trí tuệ của anh, họ đặt cho anh biệt danh “Thần đồng Phương Đông” 10 năm hiếm có.
Vì quá thông minh nên khi mới 13 tuổi, Nguỵ Vĩnh Khang đã được nhận vào khoa Vật lý của Đại học Tương Đàm và trở thành sinh viên trẻ tuổi nhất tỉnh Hồ Nam. Năm 17 tuổi, anh được Viện Vật lý Năng lượng cao thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc nhận làm nghiên cứu sinh.
Cách dạy con sai lầm
Tuy đạt được nhiều thành tích nhưng cuộc đời Nguỵ Vĩnh Khang lại không mấy vui vẻ. Sau khi đến học nghiên cứu sinh ở Bắc Kinh, Ngụy Vĩnh Khang không thể thích nghi và sắp xếp việc học cũng như cuộc sống của mình do thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ. Vào tháng 7/2003, sau khoảng 3 năm học làm nghiên cứu sinh anh bị Viện Khoa học Trung Quốc thuyết phục rời đi trước khi anh lấy bằng thạc sĩ.
Dư luận khi ấy xôn xao trước thông tin anh bị nhà trường cho thôi học. Nhất là khi biết được nguyên nhân không phải do thành tích học tập của anh kém mà là vì anh không có khả năng tự chăm sóc bản thân mình. Tất cả mọi việc từ ăn uống cho tới sinh hoạt cá nhân của bản thân anh đều phải nhờ người khác hỗ trợ, giúp đỡ.
Lúc này, sự thật về cuộc sống của anh mới được tiết lộ. Thì ra, Nguỵ Vĩnh Khang được gia đình đào tạo để trở thành một thần đồng. Mẹ của anh là bà Tằng Học Mai bắt anh dành hết thời gian để học, không được làm bất cứ thứ gì khác, cả cuộc đời anh chỉ gắn liền với sách vở.
Mọi sinh hoạt cá nhân của Ngụy đều được mẹ sắp xếp. Từ những công việc nhà như dọn phòng, giặt quần áo, ăn cơm, tắm rửa. Thậm chí đến khi lên trung học anh Ngụy vẫn được mẹ đút cơm, rửa mặt cho. “Khi con trai đói, tôi mang cơm vào tận phòng cho con. Khi con khát tôi mang nước dâng tận miệng. Thậm chí có hôm con mắc tiểu, tôi còn mang bô tới tận nơi. Với tôi khi đó, chỉ cần Vĩnh Khang học giỏi là đủ, tất cả việc khác đã có mẹ phục vụ”, bà Tằng kể lại.
Không chỉ chăm sóc con quá đà, bà Tằng còn không cho con ra ngoài chơi, bắt con ở nhà tiếp tục học tập để có tương lai. Mỗi khi có bạn tới nhà rủ anh Ngụy đi chơi, bà Tằng đều đuổi khéo mọi người đi. Lâu dần Ngụy Vĩnh Khang không bạn bè, những kỹ năng cơ bản của anh như kỹ năng giao tiếp cũng bị thụt lùi, anh không biết cách nói chuyện, hòa nhập với mọi người xung quanh.
Năm Ngụy Vĩnh Khang vào đại học, người mẹ cũng đi theo để chăm sóc con nhưng Viện Khoa học Trung Quốc không đồng ý, yêu cầu anh phải tự lập khi ở nơi đây.
Vốn quen có người phục vụ, chăm sóc, không có mẹ ở bên, anh Ngụy không thể thích nghi với cuộc sống bình thường. Anh không biết xúc cơm, cũng không biết cởi áo khi trời nóng, mặc thêm áo khi trời lạnh. Quần áo mặc xong, Ngụy Vĩnh Khang chỉ biết vứt bừa trong phòng vì không biết mang đi giặt. Chỉ vài ngày ở trường, căn phòng của anh đã như một bãi chiến trường.
Đến ngày thi tốt nghiệp, không có ai nhắc nhở nên anh Ngụy quên mất thời gian, từ đó mà bị điểm 0, mất cơ hội học lên tiến sĩ. Sau đó Viện Khoa học Trung Quốc quyết định cho thôi học đối với Ngụy Vĩnh Khang vì lý do không thể thích nghi được với việc học nghiên cứu sinh, năm đó anh Ngụy 20 tuổi.
Nhận được tin từ nhà trường, bà Tằng lập tức tới gặp con, bà nói với con rằng: “Nhảy lầu hay đâm vào xe mà chết đi. Con làm mẹ tức chết”. Sau buổi hôm đó, bà Tằng về quê và cắt đứt liên lạc với con trai.
Ngụy Vĩnh Khang cũng không dám về nhà gặp mẹ, từ đó anh đi lang thang, sống bờ bụi khắp các tỉnh thành, khi đó trong túi anh cũng chỉ có vỏn vẹn 500 NDT (khoảng 1,7 triệu đồng). Nhưng chính khoảng thời gian này đã giúp anh Ngụy biết cách tự chăm sóc bản thân.
Đến khi hết sạch tiền, anh đành nhờ cảnh sát đưa về nhà. Bà Tằng lúc này đã nguôi giận và nhận ra sai lầm trong phương pháp giáo dục con cái của bản thân. Bà bắt đầu dạy anh lại từ đầu mọi sinh hoạt cá nhân, bắt đầu từ việc tắm rửa ra sao, giặt giũ như nào.
Dần dần, Ngụy Vĩnh Khang học được cách sống như một người bình thường. Anh sau đó còn biết rót trà, lau người cho người bố bị liệt – những việc mà hơn 20 năm trời anh chưa từng động tay.
Và cũng từ đó anh cũng lui về ở ẩn, sống một cuộc sống bình thường, tên tuổi của anh không còn được nhiều người nhắc tới.
Cái kết đau lòng
Sau khi bị đuổi học, anh Ngụy đã đi tìm việc khắp nơi nhưng mọi thứ không được suôn sẻ, anh từng làm việc ở nhiều nơi nhưng chỉ được một thời gian ngắn rồi lại phải nghỉ việc vì không thích ứng được. Mãi sau anh mới tìm được công việc thích hợp tại một công ty phát triển phần mềm.
Năm 2008, anh lập gia đình và có 2 người con 1 trai, 1 gái. Thời gian đầu, anh khá dựa dẫm vào vợ. Nhiều người thân quen chia sẻ, mỗi khi hai vợ chồng đi ra ngoài, Ngụy Vĩnh Khang thường tò tò theo sau vợ. Nhưng sau khi có con, anh dần thay đổi vì cảm thấy bản thân phải sống có trách nhiệm với gia đình.
Mỗi khi tan làm, anh sẽ về nhà cùng vợ nấu ăn. Vào ngày nghỉ, anh đưa vợ con đi chơi công viên, thỉnh thoảng đi ngắm biển. Đến vợ anh cũng thừa nhận rằng anh từ một thần đồng đã trở thành một người đàn ông bình thường, hết lòng vì gia đình.
Còn bà Tằng thì mừng rơi nước mắt vì con mình giờ biết rót trà khi có khách đến chơi, chủ động gọi điện thoại thông báo cho cả nhà nếu đi làm về muộn và biết tự giặt quần áo… Bà khuyên con dâu đừng nuông chiều cháu để không dẫm phải vết xe đổ như bà…
Những tưởng mọi chuyện đã được giải quyết, mọi người sẽ được sống hạnh phúc bên nhau mãi như thế nhưng căn bệnh quái ác đã đột ngột mang Ngụy Vĩnh Khang đi khi tuổi đời anh còn rất trẻ.
Ngày 9/11/2021 vừa qua, Nguỵ Vĩnh Khang đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 38. Các chết của anh khiến không ít người thương cảm, tiếc nuối cho thần đồng một thời.
Theo Sohu/163