Tinh Hoa

Thăm miếu Huyền Trang bên hồ Nhật Nguyệt

Chắc hẳn chúng ta đã rất quen thuộc với tác phẩm Tây Du Ký và cuộc hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh của sư đồ Đường Tăng. Đường Tăng hay còn gọi là Đường Huyền Trang, là một cao tăng nhà Đường, đồng thời là một trong bốn dịch giả lớn nhất, chuyên dịch Phạn ngữ ra tiếng Hán. 

Danh hiệu Tam Tạng được giới tăng sĩ tôn xưng để tôn vinh ông là người tinh thông cả Tam tạng Kinh điển Phật giáo. Miếu Huyền Trang nằm bên hồ Nhật Nguyệt, Đài Loan được dựng lên để tôn vinh nhà sư và những đóng góp của ông đối với sự phát triển của Phật giáo Trung Quốc. 

Miếu Huyền Trang được dựng lên để tôn vinh nhà sư Huyền Trang và những đóng góp của ông đối với Phật giáo Trung Quốc. (Ảnh: Round Taiwan Round.)

Miếu Huyền Trang là một ngôi chùa nằm ở huyện Nam Đầu, Đài Loan. Ngôi miếu được chính quyền địa phương xây nên vào năm 1965 để tôn vinh đại sư Huyền Trang, nhà sư nổi tiếng với hành trình 17 năm đến Ấn Độ trong suốt thế kỷ thứ VII.

Ngôi miếu

Miếu Huyền Trang là một tác phẩm kiến trúc thời nhà Đường, sử dụng ngói vuông mang lại cảm giác nhẹ nhàng đơn giản. (Ảnh: Round Taiwan Round.)

Miếu Huyền Trang nằm gần hồ Nhật Nguyệt, một trong những điểm đến đẹp nhất ở Đài Loan. Trong Thế chiến II, quân đội Nhật từng mang các thánh tích của nhà sư Huyền Trang từ Nam Kinh đến Nhật Bản. Đến năm 1955, sư trụ trì thứ tư của chùa Bảo Giác, pháp sư Tôn Tâm đã tìm cách đưa các thánh tích trở lại Đài Loan và cất giữ trong đền Huyền Quang gần hồ Nhật Nguyệt. Theo Round Taiwan Round, các thánh tích được di dời đến miếu Huyền Trang sau khi công trình hoàn thành vào năm 1965.

Miếu Huyền Trang có cấu trúc gồm các phòng và sảnh cổ theo phong cách nhà Đường thời nhà sư Huyền Trang sinh sống. Miếu có tổng cộng 3 tầng. Đầu tiên là chính điện Huyền Trang. Du khách sẽ được chào đón bởi một bức phù điêu miêu tả cảnh nhà sư đang trên đường sang Tây Trúc tìm kinh Phật. Điện thờ Huyền Trang nằm trên tầng hai. Tại đây có thể nhìn thấy một mảnh xương của nhà sư đựng trong một cái vạc nhỏ. Trên tầng ba mới là ‘miếu Huyền Trang’.

Ngôi miếu là nơi lưu giữ các tác phẩm và xá lợi của nhà sư. Trước cổng chính của ngôi miếu có một chiếc chuông gọi là ‘chuông báo thức’.

Có nhiều cách để đi đến miếu Huyền Trang. Một trong những cách dễ nhất là đi tàu đến trạm xe lửa Đài Trung và tiếp tục đi xe buýt Renyou cho đến khi bạn dừng chân trước Hồ Nhật Nguyệt. Khi đến với ngôi miếu, bạn cũng sẽ được chiêm ngưỡng quang cảnh tuyệt vời của hồ. 

Miếu Huyền Trang nằm ngay bên hồ Nhật Nguyệt. (Ảnh: Round Taiwan Round.)

Một du khách đã viết bình luận về miếu Huyền Trang trên trang web Tripadvisor như sau: “Du khách không được đi giày và chụp ảnh ở 2 tầng trên. Sách văn học miễn phí thì ở tiền sảnh. Còn bảo tàng liền kề thì mô tả chi tiết về cuộc sống và hành trình của nhà sư. Từ ngôi miếu có thể nhìn thấy phong cảnh tuyệt vời của hồ Nhật Nguyệt hướng đến Văn Võ miếu và bến tàu Thủy Xã”.

Nhà sư

Tranh minh họa nhà sư Huyền Trang trên đường đi Ấn Độ thỉnh kinh. (Tranh qua blog.sina.com.cn)

Năm 13 tuổi, Huyền Trang xuất gia làm tu sĩ nhập môn tại một ngôi chùa Phật giáo và thọ giới cụ túc năm 20 tuổi. Khi trưởng thành, ông trở nên rất quan tâm đến tính không hoàn chỉnh của các bản kinh Phật ở Trung Quốc. Ông cũng cảm thấy nhiều kinh thư bị hiểu sai. Từ mong muốn có được kiến thức thực sự về kinh điển Phật giáo, Huyền Trang đã quyết định du hành đến Ấn Độ.

Trong hành trình 17 năm của mình, Huyền Trang đã đến chiêm bái quê hương Đức Phật ở Nepal và ở lại thành phố Nalanda của Ấn Độ để học tập với những vị thầy danh tiếng nhất. Ông cũng tham gia vào các cuộc tranh luận về Phật học với người thuộc tôn giáo khác như Ấn Độ giáo và Kỳ Na giáo (Jianism). Ông được cho là đã giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận lớn tại cung điện của một vị vua Ấn Độ với sự tham gia của hàng nghìn nhà thông thái.

Bên trong ngôi miếu. (Ảnh qua timgiman.pw)

Trở về Trung Quốc sau hành trình dài và gian khổ nhưng Huyền Trang vẫn chính thức bị coi là một kẻ chạy trốn khỏi quê nhà Trung Quốc, bởi nhà sư ra đi mà không được phép. Thế rồi Huyền Trang viết một bức thư cho hoàng đế mô tả những gì ông đã học được và kết quả, hoàng đế không chỉ chào đón ông trở lại, mà còn phong cho ông làm quốc sư.

Sư Huyền Trang đã dành phần còn lại của cuộc đời để dịch các bản thảo kinh Phật mà ông sưu tập được ở Trung Quốc. Nhờ nỗ lực của ông, Phật giáo đã được truyền rộng khắp đất nước. Thành phố Nalanda Ấn Độ ngày nay vẫn có một nơi tưởng niệm dành riêng cho nhà sư gọi là Hội trường tưởng niệm Huyền Trang.

 

Thiên Hoa biên dịch