Vụ mất tích máy bay MH-370 cùng 239 người trên khoang vào ngày 8/3 cách đây một năm đã để lại rất nhiều trăn trở sau một năm nhìn lại. Đây là vụ mất tích bí ẩn thứ 6 trong 60 năm qua.
Trong suốt một năm qua, bao hy vọng đã được nhen lên và nhiều nỗ lực được bỏ ra để tìm kiếm chiếc máy bay MH-370 của Malaysia Airlines bị mất tích một cách bí ẩn khi bay từ Kuala Lumpur đến Bắc Kinh.
Tổng cộng 46 tàu thủy, 39 máy bay, hệ thống vệ tinh toàn cầu cùng nhiều thiết bị công nghệ hiện đại nhất của 12 nước đã tham gia cuộc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích, được coi là khó hiểu nhất trong lịch sử hàng không Thế giới. Nhưng đến nay vẫn không có bất kỳ dấu tích nào của chiếc máy bay và hành khách để chứng minh đây là một vụ tai nạn thực sự.
Bên cạnh chiến dịch tìm kiếm hùng hậu của nhiều nước, hàng trăm chuyên gia hàng đầu thế giới trong ngành hàng không và nhiều lĩnh vực liên quan, cũng như đông đảo các nhà báo đã được huy động tham gia cuộc điều tra nguyên nhân khiến MH-370 biến mất khó hiểu.
Đã có rất nhiều giả thuyết, kịch bản tai nạn được đưa ra nhưng dường như chỉ “gieo thêm hoài nghi”. Thân nhân những hành khách và thành viên phi hành đoàn trên máy bay MH-370 vẫn chưa thể tin là người thân của họ đã gặp nạn cho dù chính quyền Malaysia đã chính thức công bố kết luận MH-370 đã lao đầu xuống vùng biển Nam Ấn Độ Dương.
Hiện nay, vẫn có 4 chiếc tàu lớn của Australia và Malaysia, hai nước đứng đầu trong chiến dịch tìm kiếm MH-370, đang tiếp tục dò tìm trong vùng biển rộng lớn ở Nam Ấn Độ Dương, cách bờ biển Australia ít nhất cũng phải tới 1.600 km. Các tàu này phải mất 6 ngày mới đến được khu vực khoanh vùng rộng khoảng 60.000 km2 và hiện mới dò quét được 40% diện tích. Dù đã huy động các thiết bị dò sóng âm hiện đại nhất nhưng kết quả thu được vẫn chỉ là những tiếng sóng đại dương dội về.
Theo thống kê sơ bộ, chi phí cho chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay xấu số hiện đã lên tới 120 triệu đôla Australia. Chính phủ Australia, Malaysia và cả Trung Quốc, nước có nhiều công dân nhất trên chuyến bay MH-370, đều cam kết sẽ không từ bỏ nỗ lực nhưng nhiều khả năng chiến dịch này sẽ phải tạm ngừng từ tháng 5 tới do vùng tìm kiếm ở bán cầu Nam sẽ vào mùa bão biển.
Câu hỏi đặt ra là ngay cả khi xác định được xác MH-370, công việc trục vớt cũng không đơn giản. Vùng biển này sâu tới 4.000 m, đáy biển chìm trong bóng tối hoàn toàn, lại có cấu tạo địa chất phức tạp lỗi lõm như địa hình đồi núi trên cạn nên sẽ gây cản trở rất lớn cho hoạt động trục vớt.
Trong trường hợp các tàu tìm kiếm đã quét hết diện tích khoanh vùng (hiện còn khoảng 60%) mà vẫn không phát hiện manh mối của MH-370, công tác tìm kiếm sẽ được làm lại từ đầu với việc xây dựng lại từng giả thiết dựa trên kết quả của bản báo cáo chính thức sẽ được chính phủ Malaysia công bố vào 9 giờ tối Chủ Nhật (8/3) trên đài truyền hình quốc gia nhân một năm xảy ra vụ mất tích.
Theo tín hiệu liên lạc lần cuối cùng giữa MH-370 với mặt đất, máy bay này chỉ có thể nằm trên 2 vòng cung bay: một là ở phía Bắc Trung Á và hai là ở phía Nam Ấn Độ Dương. Nếu việc tìm kiếm ở vòng cung thứ 2 hoàn toàn vô vọng, các chuyên gia sẽ phải quay lại với vòng cung đầu tiên, nơi trước đó đã bị loại bỏ với lý do hệ thống radar mặt đất dày đặc chắc hẳn đã phát hiện ra nếu MH-370 đi vào khu vực này.
Bí ẩn bao trùm thảm họa MH-370 đã làm dấy lên hàng loạt giả thuyết với không ít trong số này đã được viết thành sách, dựng phim tài liệu hoặc vô số các bình luận trao đổi trên mạng Internet.
Hồi Tháng 2, tạp chí New York của Mỹ đăng giả thuyết của chuyên gia hàng không Jeff Wise rằng MH-370 đã bị ép hạ cánh xuống một căn cứ quân sự ở Kazakhstan theo điều khiển của Nga. Có người đưa ra giả thuyết rằng MH- 370 đã bị không tặc cướp lái bay về hướng căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ là Diego Garcia ở giữa Ấn Độ Dương và bị bắn hạ để tránh tái diễn kịch bản 11/9. Những người khác tình nghi MH-370 đã bị trúng tên lửa trong một cuộc tập trận bí mật nhưng vì lý do quân sự nên đã không được công bố. Giả thuyết máy bay gặp vùng thời tiết xấu hoặc bị sét đánh cũng được không ít người đề cập dù cách lập luận không thực sự thuyết phục.
Dù nguyên nhân thực sự khiến MH-370 mất tích là gì, một thực tế không thể thay đổi là 239 người trên máy bay cùng chịu chung một số phận. Sự sống chết của họ giờ đây không chỉ là nỗi đau khôn nguôi cho người thân và bạn bè, mà còn là niềm day dứt đối với ngành hàng không thế giới.
Trước mắt, để ngăn chặn thảm kịch tương tự tái diễn, các hãng hàng không phải điều chỉnh quy định nhằm đảm bảo an toàn bay cao nhất. Một trong số đó là việc rút ngắn khoảng cách giữa các lần liên lạc giữa máy bay và trạm không lưu để đảm bảo mọi diễn biến bất thường sẽ được nắm bắt kịp thời. Việc thiết lập hệ thống theo dõi tức thời mọi máy bay dân dụng trên bầu trời cũng đã được Hội nghị hàng không thế giới ủng hộ hoàn toàn.
Ngoài ra, các nước cũng cần phối hợp để phủ sóng kiểm soát 100% diện tích không gian (hiện vẫn còn 30% không được kiểm soát) để đảm bảo toàn bộ 80.000 chuyến bay hàng ngày đều được theo dõi. Trong trường hợp bất thường, máy bay sẽ phải gửi báo cáo tình hình 15 phút/lần, nếu cần sẽ rút xuống 5 phút/lần và được nhận ứng cứu trong phạm vi không quá 11 km.
Việc thay đổi thiết kế hộp đen để cho phép thiết bị này có thể bật khỏi máy bay và nổi trên mặt nước khi xảy ra va chạm cũng đang được các nhà thiết kế tính tới và sẽ được áp dụng bắt buộc từ năm 2021.
Các chuyên gia hàng không hy vọng những thay đổi này có thể giúp hạn chế tối đa các vụ tai nạn và mất tích bí ẩn giống như máy bay MH-370, một trong 6 vụ mất tích bí ẩn nhất trong lịch sử 60 năm qua của hàng không thế giới.
Các vụ mất tích bí ẩn còn lại gồm chuyến bay 447 của hãng Air France (mất tích ngày 1/6/2009 với 228 người trên khoang), chuyến bay TWA Flight 800 của hãng Trans World Airlines (mất tích năm 1996 cùng 230 người), chuyến bay USAir Flight 427 của Mỹ (mất tích ngày 8/9/1994 với 132 người), chuyến bay Flying Tiger Flight 739 (mất tích năm 1962 cùng 107 người) và chuyến bay Pan Am Flight 7 (mất tích ngày 8/11/1957 với 44 người).
Theo Dân Trí