Ngày 19/6, đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về việc xử lý sự cố đập chính và phương án đảm bảo an toàn vùng hạ du công trình hồ Núi Cốc.
Báo cáo kiểm tra công trình trước mùa mưa bão của Sở Nông nghiệp Thái Nguyên nêu rõ, đập chính hồ Núi Cốc có hiện tượng thấm nhỏ ở vai bờ tả phía hạ lưu, từ cao trình 45 m đến 46 m. Tại cao trình 44 m hạ lưu bờ tả có hiện tượng thấm nhiều và lan rộng. Rãnh thoát nước hạ lưu đập tại cao trình 32 m và 42 m bị đổ gãy chiều dài 200 m làm tụt các tấm lát mái.
UBND tỉnh Thái Nguyên đã quyết định công bố tình trạng khẩn cấp đập chính hồ Núi Cốc vào ngày 14/6. Tổ chức trực 24/24h tại hiện trường để theo dõi diễn biến sự cố. Tỉnh cũng lập phương án xử lý khẩn cấp và chuẩn bị điều kiện cần thiết để thi công khắc phục sự cố, đảm bảo hoàn thành trước ngày 20/8.
Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi tỉnh được giao làm chủ đầu tư dự án xử lý cấp bách đập chính hồ Núi Cốc, đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi là Tổng công ty Tư vấn xây dựng thủy lợi Việt Nam. Với tổng mức đầu tư dự án trong giai đoạn xử lý cấp bách dự kiến là 47 tỷ đồng, chủ đầu tư sẽ khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập, làm lại hệ thống tiêu thoát nước thân đập, khôi phục thiết bị quan trắc thấm…
Tại cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp, cổng thông tin điện tử Thái Nguyên cho biết, các chuyên gia đầu ngành thủy lợi đã góp ý việc khoan phụt tạo màng chống thấm toàn bộ thân đập phải đề cập rõ hình thức, vị trí. Trường hợp cần thiết, phải đưa ra phương án phá một trong 7 đập phụ để giữ đập chính; có phương án phòng chống lũ lụt, di dân, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du.
Núi Cốc là hồ nước ngọt nhân tạo, hình thành sau khi đập ngăn sông Công được xây dựng từ năm 1973 đến 1982. Hồ gồm một đập chính dài 480 m và 7 đập phụ. Mặt hồ rộng 25 km2, sâu 35 m, dung tích trên 100 triệu m3, có nhiệm vụ cung cấp nước tưới cho 12.000 ha đất, giảm nhẹ lũ hạ lưu sông Cầu, đáp ứng dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng và nuôi cá.
Nếu xảy ra sự cố vỡ đập chính hồ Núi Cốc sẽ gây ngập vùng hạ du gồm TP Thái Nguyên, TP Sông Công, thị xã Phổ Yên, huyện Phú Bình và một phần của tỉnh Bắc Giang.
Theo VNE