Tinh Hoa

Tên lửa liên lục địa Triều Tiên có thể “qua mặt” hệ thống đánh chặn Mỹ?

Một chuyên gia tên lửa cho biết phần mũi tên lửa liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên có thể là dấu hiệu cho thấy nó có khả năng đánh lừa hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Tên lửa liên lục địa Hwasong-14 của Triều Tiên được lắp đặt phần nắp che rỗng màu vàng. ( Ảnh: KCNA)

Các chuyên gia quân sự mới đây phát hiện tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-14 của Triều Tiên được lắp đặt một nắp che rỗng hình nón thay vì một phần mũi rắn chắc như hầu hết mẫu tên lửa trước đó của Bình Nhưỡng, theo Business Insider.

Theo chuyên gia tên lửa David Schmerler thuộc trung tâm nghiên cứu ngăn ngừa phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, phần nắp che hình nón thường là dấu hiệu cho thấy tên lửa có thể mang nhiều đầu đạn.

ICBM thường sử dụng nắp che trong trường hợp được lên kế hoạch để phóng nhiều đầu đạn có khả năng tái xâm nhập khí quyển hoặc nhiều đầu đạn ‘mồi bẫy’“, Schmerler phân tích.

Schmerler cho rằng, mặc dù chưa có bằng chứng khẳng định Triều Tiên có khả năng lắp đặt nhiều đầu đạn hạt nhân thu nhỏ lên một tên lửa, nhưng Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể sử dụng các đầu đạn giả để đánh lừa hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Cụ thể, một nắp che rỗng có thể chứa nhiều khối cầu đóng vai trò là những đầu đạn giả. Khi tên lửa đánh chặn lao tới, các khối cầu sẽ tự động bung ra khiến tên lửa rất khó phân biệt đâu là đầu đạn hạt nhân thật.

Mặc dù Triều Tiên chưa từng tuyên bố công khai rằng tên lửa của nước này được lắp đặt đầu đạn giả, nhưng nắp che rỗng hình nón trên Hwasong-14 cho thấy khả năng này là rất cao“, chuyên gia Schmerler nhấn mạnh.

Triều Tiên hôm 4/7 phóng thử tên lửa Hwasong-14 ra biển Nhật Bản. Tên lửa bay cao 2.802 km, xa 933 km. Theo giới chuyên gia, nếu phóng với góc chuẩn, Hwasong-14 có tầm bắn lên tới 6.700 km, được xếp vào hàng ICBM. Các cơ quan tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đều kết luận đây là “cột mốc đáng sợ” trong chương trình tên lửa đạn đạo mà Triều Tiên đạt được sớm hơn nhiều năm so với ước tính của họ.

Theo VNE