Taylor Swift, nữ ca sỹ có mức cát sê cao nhất nhì thế giới có thể sẽ vướng vào vòng xoáy chính trị ở Trung Quốc vì dự án kinh doanh mới nhất của cô: Đem đến Trung Quốc một dòng quần áo và hàng hóa thời trang mang khẩu hiệu: “T.S. 1989. ”
Taylor Swift sắp cho ra mắt hàng loạt sản phẩm thời trang mang thương hiệu cá nhân của cô như áo phông, áo dạ, áo len… trên hai hệ thống bán lẻ trực tuyến lớn của Trung Quốc là Alibaba và JD.com. Tuy vậy, có vẻ như cô đã vô tình tự gây khó dễ cho bản thân khi sử dụng nhãn hiệu 1989 trên tất cả các mặt hàng.
1989 là năm sinh, đồng thời cũng là tên album mới phát hành hồi năm 2014 của Taylor Swift. Thế nhưng, 1989 là một con số hết sức nhạy cảm ở Trung Quốc, bởi đây là năm xảy ra Sự kiện Thiên An Môn, nơi hàng nghìn người biểu tình bị quân đội Trung Quốc đàn áp.
Sự trùng hợp chưa dừng lại ở đó. Nhãn hiệu T.S mà Taylor Swift đã đăng ký bản quyền vốn là tên cô viết tắt, nhưng cũng là tên tắt tiếng Anh của… Quảng trường Thiên An Môn (Tianmen Square). “T.S 1989” vừa có nghĩa là “album 1989 của Taylor Swift”, lại vừa có thể diễn giải thành “Quảng trường Thiên An Môn 1989”.
Tại Trung Quốc, người dùng mạng xã hội luôn tránh viết các số 4, 6, 1989 gần nhau do lo ngại sẽ bị “kiểm duyệt”, bởi Sự kiện Thiên An Môn xảy ra ngày 4/6 năm 1989. Có người còn tránh “phạm húy” bằng cách gọi ngày 4/6 là… 35/5.
Sau vụ thảm sát, các lãnh đạo ĐCSTQ đã tìm cách quét sạch sự kiện Thiên An Môn khỏi ký ức chung của đất nước bằng cách ngăn chặn và kiểm duyệt tất cả các thông tin đề cập đến sự kiện này, đồng thời quấy rối và bỏ tù những người công khai thảo luận về nó.
Trang web tại Mỹ của nữ ca sỹ đã đăng tải một số sản phẩm như vòng cổ, túi xách và đồ trang trí tóc với dòng chữ “T.S.1989”. Người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa biết liệu những món đồ của cô có tới được tay họ hay không, trong bối cảnh Chính phủ nước này vẫn đang kiểm duyệt rất gắt gao những thông tin trôi nổi trên mạng Internet.
Một số nghệ sĩ và những người nổi tiếng đã từng động chạm đến những khía cạnh nhạy cảm của chính quyền Trung Quốc. Chính quyền này cũng đã từng cấm một số nghệ sỹ biểu diễn tại Trung Quốc do họ quảng bá những điều mà chính quyền không chấp thuận. Nghệ sỹ Saxophone Kenny G đã phải tự gỡ bỏ một bức ảnh của anh chụp tại một điểm biểu tình chiếm đóng ở Hồng Kông trong giai đoạn cao trào của Phong trào Ô vào tháng 10/2014.
Giới truyền thông Trung Quốc cũng đã đăng tải các tin tức cho rằng ngôi sao điện ảnh Hollywood và Hồng Kông Châu Nhuận Phát và những người nổi tiếng khác ở Hồng Kông, những người đã lên tiếng ủng hộ phong trào biểu tình trên, đã bị sụt giảm tiền đồ kinh doanh tại Trung Quốc đại lục, theo Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI).
Theo vntinnhanh, daikynguyenvn