Hiện tượng hàng chục nghìn con ễnh ương đột nhiên xuất hiện ở Tây Ninh giống trận động đất ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, khiến nhiều người dân cho rằng sắp có động đất, còn các chuyên gia về nông nghiệp lại giải thích là do mùa mưa nên loài lưỡng cư sinh sản và nhân giống đột biến.
Những ngày qua, nhiều người dân sống quanh Nông trường Biên Hòa, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, phát hiện hàng chục ngàn con ễnh ương nhảy bên đường. Từ hiện tượng này, xuất hiện nhiều tin đồn sắp xảy ra động đất trên diện rộng. Hiện tại, không ít hộ dân cảm thấy hoang mang, nhiều người còn có ý định di chuyển sang nơi khác để sinh sống.
Bà T. (một người dân địa phương) cho biết: “Con trai tôi lên mạng xem thì thấy ở tỉnh Tứ Xuyên – Trung Quốc trước khi động đất cũng xảy ra hiện tượng ếch, nhái, ễnh ương di cư. Mọi người hay tin ai cũng lo, có người sang nhà bà con ở một thời gian”.
Ông Nguyễn Trọng Hòa, chủ nông trại, xác nhận có hiện tượng nói trên. “Gần đây, vào đầu giờ chiều, chúng tôi lại thấy ễnh ương nhảy khắp nơi với mật độ cao”, ông Hòa nói.
Về việc có tin đồn sắp xảy ra động đất, ông Hòa bác bỏ và cho biết, cách đây 6 tháng, ông có mua gần 100 kg ễnh ương, nhái, ếch để thả vào nông trường rộng 960 ha nhằm diệt sâu bọ, bảo vệ cây mía. “Qua thử nghiệm, tôi thấy phương pháp này khá hiệu quả vì chúng giúp cây mía phát triển bình thường. Có thể vì nuôi những loài này trong thời gian dài nên giờ chúng sinh sản nhiều”, ông Hòa lý giải.
Ngày 27/7, ông Hòa đã quay đoạn clip cảnh ễnh ương xuất hiện khắp nơi rồi gửi cho rất nhiều chuyên gia về nông nghiệp và họ khẳng định đó chỉ là hiện tượng bình thường. Nguyên do là hiện đang vào mùa mưa nên loài lưỡng cư sinh sản và nhân giống đột biến.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, nhiều chuyên gia về địa chất cho biết, khu vực Tây Ninh khá ổn định, không hề có chuyện động đất.
Theo ông Nguyễn Văn Chủng, Chủ tịch UBND xã Thành Long, trưa 31/7, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành đã yêu cầu xã xác minh thông tin nêu trên. “Qua điều tra, chúng tôi nhận thấy đó chỉ là tin đồn thất thiệt. Trước đó, có một số người lén vào nông trại bắt ếch, nhái và bị bảo vệ xua đuổi nên có thể họ bực tức và tung tin đồn”, ông Chủng nhận định.
Theo NLĐ