Tinh Hoa

Tàu sân bay Trung Quốc có thể ngưng hoạt động vì sứa biển

Giới chức Trung Quốc lo ngại những con sứa có thể bị hút vào ống làm mát động cơ, đe dọa đến hoạt động của tàu sân bay Liêu Ninh và các chiến hạm khác.

Tàu sân bay Liêu Ninh có thể bị vô hiệu hóa nếu đi vào vùng biển có quá nhiều sứa. (Ảnh: Getty)

Theo Tan Yehui, nhà nghiên cứu tại Viện Hải dương học Nam Hải, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Quảng Châu, những con sứa đe dọa nghiêm trọng đến hoạt động của tàu sân bay và các tàu chiến hiện đại khác. Hiện nguyên nhân của nạn bùng phát sứa chưa được làm rõ.

Nhà nghiên cứu Tan cho biết thêm, việc một lượng lớn động vật nhuyễn thể bị hút vào đường ống nước dùng để làm mát động cơ có thể khiến hệ thống làm mát không hoạt động, dẫn đến động cơ của tàu quá nóng và ngưng hoạt động.

Các kỹ thuật viên có thể mất hàng giờ, thậm chí vài ngày để loại bỏ hết những con sứa bám trong đường ống dẫn nước và bộ lọc của hệ thống. Các tàu chiến hiện đại được trang bị hệ thống để loại bỏ những con sứa nhưng nếu đi vào vùng nước có quá nhiều sứa, chúng vẫn có thể gây ra vấn đề.

Trước vấn đề này, các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Đại dương và Khoa học Thủy sản Liêu Ninh có trụ sở tại Đại Liên, Trung Quốc, đã phát triển một vũ khí được gọi là “máy cắt sứa” có thể làm sạch dòng nước bị nhiễm sứa. Các nhà khoa học yêu cầu không tiết lộ danh tính của họ vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Thiết bị cắt sứa này có thể làm sạch các vùng biển bị nhiễm sứa và mang lại sự yên tâm cho thủy thủ đoàn các tàu sân bay“, một nhà khoa học Trung Quốc cho biết.

Máy cắt sứa mà nhóm nghiên cứu chế tạo có dạng một chiếc lưới dài vài trăm mét với cụm lưỡi dao sắc bén ở giữa. Lưới được kéo bởi một tàu di chuyển ở tốc độ cao và sử dụng sức mạnh của dòng chảy để hút các con sứa vào cụm lưỡi dao.

Theo một bài báo của nhóm nghiên cứu đăng trên tạp chí Hebei Fisheries vào tháng 8, thiết bị này đã cắt những con sứa thành các mảnh nhỏ không quá 3cm, khoảng một phần mười kích thước con sứa thông thường ở vùng biển Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của nhóm, các chất ô nhiễm hữu cơ đạt cao điểm khoảng 4 ngày sau hoạt động nhưng vùng biển trở lại trạng thái bình thường khoảng một tuần sau, khi các tàn dư được phân hủy hoàn toàn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hải dương học cảnh báo phương pháp này có thể gây ra vấn đề lớn đối với môi trường. Các xúc tu của sứa bị cắt đứt có thể trôi dạt vào bờ biển gây nguy hiểm cho người tắm biển. Chất độc trên các xúc tu nếu tiếp xúc với da người có thể gây ra những cơn đau dữ dội, viêm da, thậm chí tử vong.

Ngoài ra, nếu máy cắt xé vụn những con sứa đang mang thai có thể giải phóng một số lượng lớn trứng đã thụ tinh ra môi trường, nó sẽ gây ra nhiều sứa hơn trong mùa tới. Nhóm nghiên cứu cũng thử nghiệm các phương pháp khác để giảm số lượng sứa, như bơm không khí vào đại dương tạo ra số lượng lớn các bong bóng để đưa sứa lên mặt nước và tiêu diệt chúng bằng thuốc trừ sâu.

Tuy vậy, nhà nghiên cứu Tan đặt câu hỏi về tính hiệu quả của các phương pháp trên. Bà cho rằng máy cắt sứa chỉ bắt được những con sứa có kích thước lớn. Trong khi đó, các vụ bùng phát sứa ở vùng biển Trung Quốc trong những năm gần đây phần lớn là các loài sứa nhỏ với chiều dài trung bình không quá 2cm.

Bà Tan cũng cảnh báo việc tiêu diệt sứa bằng thuốc trừ sâu sẽ giết chết các sinh vật biển có lợi khác. Bà cho rằng, Hải quân Trung Quốc nên xem xét thành lập một hệ thống dự báo sứa để lập kế hoạch hoạt động phù hợp.

Sứa không chỉ là mối đe dọa với chiến hạm Trung Quốc, mà với cả tàu chiến của nhiều nước trên thế giới. Theo giới chuyên gia, dù hải quân các nước đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo vệ tàu của mình trước loài nhuyễn thể này, nhưng việc phải đi vào các vùng biển có mật độ sứa dày đặc thực sự là vấn đề nan giải.

Năm 2006, tàu sân bay hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ buộc phải ngừng hoạt động trong một thời gian sau khi đi ngang qua một đàn sứa lớn tại vùng biển ngoài khơi cảng Brisbane của Australia.

Tú Văn (t/h)