Hiện các kỹ sư Nam Mỹ đang chờ cơn lốc xoáy vùng cực thích hợp để cất cánh chiếc tàu lượn không động cơ của họ với hy vọng sẽ trở thành những phi công tàu lượn đầu tiên bay đến rìa không gian ở độ cao 27.000 m.
Nhóm nghiên cứu cho biết, nếu kế hoạch thành công, họ sẽ gửi được nhiều thứ khác ngoài tàu lượn vào tầng bình lưu để đo áp suất, ozone, và các trường điện từ, giúp các nhà nghiên cứu tìm hiểu thêm về hành tinh của chúng ta.
“Khi làm được như vậy, [chúng ta sẽ] thu hoạch được dữ liệu quý giá về bầu khí quyển của Trái Đất và tầng ozone“.
Để thực hiện được điều này, nhóm nghiên cứu đã thiết kế chiếc máy bay có sải cánh dài 25,6 m, cabin áp lực, và khả năng chịu được sự sụt giảm áp suất không khí đáng kể khi bay cao lên tầng bình lưu.
Tàu lượn Perlan 2 là máy bay không động cơ đầu tiên trên thế giới được thiết kế để bay tới rìa không gian, đường phân cách giữa bầu khí quyển Trái Đất và vũ trụ.
Perlan 2 sẽ bay lên tầng bình lưu bằng cách “lướt theo” những luồng không lưu mạnh trong lốc xoáy vùng cực.
“Các vùng phía Bắc và Nam của thế giới có một hiện tượng gọi là lốc xoáy vùng cực, và cơ bản những gì nó làm là gây ra gió mạnh ở độ cao rất cao“, phi công trưởng Jim Payne nói với Woodrow Bellamy III.
Hồi tháng 9/2015, Perlan 2 đã thực hiện thành công chuyến bay thử nghiệm đầu tiên ở độ cao 1.500 m.
Hiện nhóm nghiên cứu đang chờ điều kiện lý tưởng ở Patagonia để cất cánh. Tuy nhiên thời tiết không thuận lợi lắm khi lốc xoáy vùng cực đã thưa thớt.
“Thông thường, lốc xoáy vùng cực, tạo ra các làn sóng tầm cao, xuất hiện nhiều nhất vào tháng 8 và tháng 9“, theo Payne.
Nếu thử nghiệm thành công thì nhóm nghiên cứu này sẽ là những người đầu tiên bay đến độ cao 27.000 m mà không cần sử dụng bất kỳ nhiên liệu nào, đây là điều khá kinh ngạc.
Hy vọng rằng nhóm Perlan sẽ có đủ điều kiện cần thiết để thực hiện cuộc thử nghiệm.
Iris, theo Science Alert