Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 4 của Trung Quốc đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam từ Chủ nhật 14/06/2020. Đến ngày 16/6, con tàu này chỉ cách đảo Phú Quý khoảng 182 hải lý và cách bờ biển Việt Nam 200 hải lý, trang tin Benar News của Mỹ trích dẫn các dữ liệu định vị cho biết.
Theo Benar News, hai công cụ theo dõi giao thông trên biển khác nhau cho thấy Tàu Hải Dương Địa chất 4 của Trung Quốc chạy về hướng các vùng biển của Việt Nam hôm Chủ nhật 14/6/2020, ngang qua một căn cứ quân sự mà Trung Quốc xây trên Đá Chữ Thập tại quần đảo Trường Sa.
Đến sáng ngày 16/6/2020, tàu này cách đảo Phú Quý thuộc tỉnh Bình Thuận khoảng 182 hải lý, tức là bên trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
Chiều và tối ngày 17/6, tàu Hải Dương Địa Chất 4 tiến sâu vào vùng biển Việt Nam với tốc độ khá cao, trung bình trên 16 hải lý/giờ.
Theo cơ sở dữ liệu có ít nhất 1 tàu Việt Nam bám rượt theo chuyển động của tàu Hải Dương Địa Chất 4, nhưng tàu này chỉ đi với vận tốc chừng 7 hải lý/giờ, bằng một nửa so với vận tốc tàu Hải Dương Địa Chất 4.
Tại thời điểm 1h30 sáng ngày 18/6, Hải Dương Địa Chất 4 tiếp tục di chuyển nhưng với tốc độ rất chậm, chưa đến 1 hải lý/giờ, mũi tàu vẫn đang hướng về thềm lục địa Việt Nam, cho thấy sự di chuyển của tàu không đơn thuần là đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách bình thường như được cho phép theo luật quốc tế.
Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao Trung Quốc lại điều tàu Hải Dương 4 vào vùng biển của Việt Nam nhưng theo Benar News sự có mặt của con tàu này có thể liên quan đến các hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam với công ty Rosneft của Nga gần Bãi Tư Chính.
Trước đó, vào tháng Bảy năm 2019, Trung Quốc từng đưa tàu Hải Dương 8 cùng các tàu hộ tống vào khu vực Bãi Tư Chính, cũng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thăm dò dầu khí của Việt Nam với một tập đoàn dầu khí của Nga.
Cũng theo Benar news, hôm 13/6 mới đấy, công ty dầu khí Repsol của Tây Ban Nha đã chuyển nhượng các cổ phần của công ty này ở 3 lô dầu khí ngoài khơi phía Đông Nam Việt Nam cho PetroVietnam với lý do không thể khoan trong khu vực sau khi chịu áp lực của Trung Quốc vào năm 2018.
Không chỉ với Việt Nam, Trung Quốc cũng đang làm điều tương tự với Malaysia. Từ giữa tháng 4/2020 đến giữa tháng 5/2020, Hải Dương 8 đã thực hiện một cuộc khảo sát ở vùng biển Malaysia, theo Benar news đây có vẻ như là hành động nhằm gây áp lực cho West Capella, một máy khoan có hợp đồng của Malaysia được điều hành bởi một công ty có trụ sở tại London. West Capella cuối cùng đã rời khỏi khu vực.
Vũ Tuấn (t/h)