Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất “kinh tế vỉa hè” để cấp thêm một “con đường mưu sinh” cho người dân tầng lớp thấp nhất, nhưng mới chỉ được 4 ngày thì đã bị ngừng bởi vì nó đi ngược lại với đường lối kinh tế của Tập Cận Bình. Chính quyền địa phương các nơi cũng có cách xử lý khác nhau đối với việc này.
Tờ “Thâm Quyến Đặc khu báo” đã đăng một bình luận trên trang chính vào ngày 8/6, nói rằng Thâm Quyến không nên ồ ạt phát triển “kinh tế vỉa hè”. Theo thống kê chưa đầy đủ, sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, thì đây lại là phương tiện truyền thông chính thức của một thành phố hạng nhất tiếp theo công khai đứng về phía Tập Cận Bình.
Trước đó, “Bắc Kinh Nhật báo” – cơ quan ngôn luận của Thành ủy Bắc Kinh cũng phát hành 3 bài báo liên tiếp trong vòng 6 ngày để phủ nhận việc khuyến khích phát triển “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường.
Thượng Hải cũng theo sau bày tỏ thái độ không khuyến khích mở các quầy hàng cá nhân. Bình luận của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng cảnh báo rằng, các thành phố hạng nhất không nên bán hàng trên vỉa hè, cũng nói rằng, nếu như “kinh tế vỉa hè” ồ ạt khởi lên thì hiệu quả quản lý tinh tế tích lũy trong nhiều năm tại các thành phố sẽ đổ xuống sông xuống biển.
Ông Hồ, người thuộc cơ quan truyền thông chính thức của tỉnh Sơn Đông cho rằng, chính quyền các nơi đang mù quáng làm theo suy nghĩ của các quan chức cấp cao, và “kinh tế vỉa hè” của Lý Khắc Cường được coi là một “vấn đề giải quyết hàng đầu” ngay khi nó được đưa ra.
Tuy nhiên, ông Hồ từ chối giải thích lý do tại sao chính quyền địa phương diễn giải quá mức ý chí của các lãnh đạo cấp cao, cũng không đưa ra bình luận về việc kinh tế vỉa hè bị dừng đột ngột, mà chỉ nói không biết liệu có còn được phép tiếp tục bán hàng trên vỉa hè hay không.
Tuy nhiên, ông Lưu, một người làm truyền thông tự do đã trực tiếp chỉ ra rằng, kiến giải về kinh tế vỉa hè do Lý Khắc Cường đề xuất, chính là đi ngược lại với tư duy loại bỏ “sản nghiệp cấp thấp” mà Tập Cận Bình đang thúc đẩy trong những năm gần đây ở Bắc Kinh.
Ông Lưu còn nói: “Bán hàng vỉa hè là do Lý Khắc Cường đề xuất, và sau đó tên lão đại kia (chỉ Tập Cận Bình) cảm thấy rằng điều đó như tát vào mặt mình. Bây giờ ông ta không cho phép đề xuất nữa. Tôi nghĩ điều này cũng có lý thôi, bởi vì người kia (chỉ Tập Cận Bình) rất thích làm lớn, ông ta là người của đường lối Mao (Trạch Đông), và không quan trọng có bao nhiêu người chết cả”.
Ông Hầu, một nhân sĩ quan tâm đến về vấn đề này thì cho rằng, chính quyền Bắc Kinh dẫn đầu phủ nhận kinh tế vỉa hè là vì còn phải quan tâm đến vấn đề duy trì sự ổn định. Bắc Kinh lo ngại rằng một lượng lớn dân oan trên đường phố Bắc Kinh sẽ có thể kinh doanh nhỏ để kiếm tiền chi tiêu và tiếp tục kêu oan.
Ông Hầu nói: “Bắc Kinh và những nơi khác là không giống nhau. Nếu như bạn nói được phép bày một gian hàng, bạn nói ai sẽ là người bày gian hàng ở Bắc Kinh? Đều là người đến Bắc Kinh từ những nơi khác. Có thể sẽ có rất nhiều người thỉnh nguyện trong đó, điều này sẽ tạo thành áp lực lớn cho họ (chính quyền) để duy trì sự ổn định. Việc này đã từng xuất hiện, một bên buôn bán nhỏ, một bên kiến nghị”.
Trần Bình, một nhà bình luận ở tỉnh Quảng Đông cho rằng, dưới áp lực lớn của dịch bệnh và vấn đề dân sinh, chính quyền địa phương nhiều nơi đã dùng thái độ im lặng để tránh quả bom bất đồng chính trị giữa Tập và Lý. Trên thực tế cũng là bất đắc dĩ. Còn việc duy trì hay bãi bỏ các quầy hàng vỉa hè đã không còn là vấn đề mấu chốt nữa.
Phóng viên cũng đã phỏng vấn Cục quản lý đô thị thành phố Thành Đô, nơi từng được Lý khắc Cường biểu dương về “kinh tế vỉa hè”. Cục nhấn mạnh rằng, các quy tắc ban hành trước đây về bán hàng vỉa hè sẽ tiếp tục có hiệu lực.
Cục quản lý đô thị Thành Đô nói rằng: “5 cho phép 1 giữ vững” do thành phố Thành Đô đưa ra vẫn còn có hiệu lực, nhưng nếu bạn muốn hỏi cụ thể, hoặc là gặp phải sự tình loại đó trong quá trình thực hiện thì bạn nên hỏi từng quận, huyện và thành phố.
Vào ngày 28/5, Thủ tướng Lý Khắc Cường tuyên bố trong một cuộc họp báo tại lễ bế mạc Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc rằng, có 600 triệu người ở nước này có thu nhập hàng tháng dưới 1.000 nhân dân tệ, đồng thời nới lỏng việc bán hàng vỉa hè để giải quyết công ăn việc làm cho người dân, cũng từ đó mà kinh tế vỉa hè trở nên nở rộ trên toàn quốc. Tuy nhiên chỉ sau vài ngày, vào tối ngày 4/6, phong trào này nhanh chóng bị phía chính quyền hạ nhiệt.
Trước đó, theo chỉ thị của Tập Cận Bình từ năm 2017, Bắc Kinh đã đóng cửa các cửa hàng nhỏ, nhà máy nhỏ và chợ buôn bán nhỏ trên quy mô lớn dưới danh nghĩa loại bỏ các ngành công nghiệp cấp thấp, đồng thời trục xuất hàng trăm nghìn công nhân và tiểu thương ở Bắc Kinh trong trời đông giá rét trước mùa xuân, khiến dư luận trong và ngoài nước xôn xao. Việc Lý Khắc Cường mở trói lại cho kinh tế vỉa hè để giải nguy sinh kế của người dân cũng bị coi là để lộ vết sẹo của Tập Cận Bình.
Minh Huy (Theo NTDTV)